Thế giới

Từ 2017, mọi công dân Pháp đều là người hiến tạng

Theo đạo luật mới có hiệu lực từ đầu năm nay, mọi công dân Pháp đều mặc định là người hiến tạng trừ khi cá nhân đó yêu cầu rút ra khỏi chương trình.

Mỗi ngày tại châu Âu có trung bình 16 người thiệt mạng trong khi chờ ghép tạng - Ảnh: Guardian

“Đạo luật nói rõ tất cả chúng ta đều là người hiến nội tạng và mô, trừ khi chúng ta lên tiếng từ chối” - Cơ quan Y sinh của Pháp cho biết. Hồi 11-2016, cơ quan này cũng từng phát động chiến dịch kêu gọi người trẻ từ 15 đến 25 tuổi tham gia hiến tạng.

Những người không muốn tham gia hiến tạng có thể đăng ký tên vào danh sách từ chối và có thể hoàn tất thủ tục trực tuyến mà không cần đến nơi đăng ký.

Ngoài ra, họ cũng có thể để lại tuyên bố không chấp nhận hiến tạng bằng văn bản cho người thân. Trong trường hợp họ chỉ để lại di nguyện bằng lời, người thân có trách nhiệm làm văn bản cho bác sĩ khi họ qua đời.

Nếu không đăng ký từ chối hoặc để lại di nguyện, bất cứ ai tử vong đều là được coi là người hiến tạng bất chấp sự phản đối của gia đình.

Trước ngày 1-1, trong trường hợp có người tử vong mà không để lại di nguyện về việc hiến tạng, các bác sĩ đều phải hỏi ý kiến người thân của họ và hầu như 1/3 trường hợp đều từ chối.

Châu Âu mới đây đã cảnh báo tình trạng thiếu tạng hiến không chỉ ở Pháp mà trên khắp cả thế giới trong khi số người chờ cấy ghép tạng ngày càng nhiều. Tại châu Âu, trung bình mỗi ngày có khoảng 16 người chết trong khi chờ ghép tạng trong khi tại Mỹ cứ mỗi mười phút lại có thêm một người được đưa vào danh sách chờ tạng hiến.

Tác giả bài viết: Trần Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP