Số hóa

Từ 1/4, kiên quyết dừng hoạt động các thuê bao không chỉnh lý

Hôm nay (31/3) là hạn cuối để các thuê bao di động có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện chuẩn hóa. Từ ngày 1/4, các nhà mạng sẽ bắt đầu khóa một chiều với thuê bao sai thông tin.

Khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao tại điểm giao dịch của Viettel ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 30/3, hàng loạt các điểm giao dịch của Viettel, VinaPhone, MobiFone ở Hà Nội chật cứng người đến chuẩn hóa thông tin thuê bao khi hạn cuối sắp đến.

Số người đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin khá đông khi hạn cuối cận kề. Số thuê bao sai thông tin chưa chuẩn hóa rất lớn. Số liệu thống kê của Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, tính đến sáng 30/3 mới có 1,9 triệu thuê bao được chuẩn hóa thông tin. Như vậy, còn khoảng 1,9 triệu thuê bao có thông tin đăng ký chưa khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau ngày 31/3, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định. Cụ thể, sau ngày 31/3, các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo quy định, 15 ngày sau đó sẽ thực hiện khóa 2 chiều nếu thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa. Một tháng sau khi khóa hai chiều, nếu thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa sẽ bị thanh lý hợp đồng, thu hồi số.

Trước đề xuất của nhà mạng về việc lùi thời hạn khóa liên lạc một chiều, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, nếu lùi thời hạn thực hiện sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc đi chuẩn hóa thông tin thuê bao khi nhận được thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, bộ này kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3. Sau đó các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho các thuê bao bị khóa.

Phải nộp tiền để chuẩn hóa thuê bao?

Anh Đặng Hồng Quý (44 tuổi, trú tại Đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, trên đường đi làm về, anh chủ động ra điểm giao dịch Viettel ở số 1172 Đường Láng để cập nhật lại thuê bao vì thông tin thuê bao của anh đang sử dụng số chứng minh nhân dân chưa cập nhật sang số căn cước công dân.

Anh Quý cho hay, sau khi hoàn thành, nhân viên tại điểm giao dịch này báo, phí của anh Quý phải nộp là 25.000 đồng. Anh cũng vừa chuẩn hóa một sim của nhà mạng khác cách đây vài ngày và hoàn toàn được miễn phí nên anh thắc mắc. Lúc đó, nhân viên nhà mạng này giải thích: Đối với những khách hàng nhận được thông báo của nhà mạng, việc cập nhật thông tin là miễn phí. Những khách hàng không nhận được thông báo mà muốn cập nhật lại thông tin thuê bao sẽ phải đóng 25.000 đồng/người.

Để xác thực, phóng viên đã đến điểm giao dịch này khảo sát. Tại đây, anh Phạm Cảnh Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng nhiều trường hợp khác cũng đến để cập nhật lại thông tin và đều bị thu 25.000 đồng/người. Liên hệ số hotline 18008098 của nhà mạng, tổng đài viên cho biết hoàn toàn khác: “Đối với những trường hợp khách hàng đến chuẩn hóa thông tin sẽ không mất một khoản phí nào, kể cả là khách hàng không có thông báo. Chỉ những trường hợp khách hàng muốn sang tên sim cho người khác thì mất phí”.

Tình trạng nhà mạng không thông báo bằng tin nhắn, cuộc gọi đến các thuê bao dù họ có thông tin sai, không trùng khớp với dữ liệu dân cư như trên xảy ra rất nhiều. Nhiều người đã chật vật phát hiện và tá hỏa đi hiệu chỉnh. Đơn cử, ngày 30/3, chị Nguyễn Thị Nga (Long Biên, Hà Nội) tự tra thông tin và phát hiện thuê bao mình đã dùng hơn 10 năm nay lại mang tên người khác.

Các thuê bao có thể kiểm tra thông tin bằng cách nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi đến 1414 để biết thuê bao của mình đã chính xác hay chưa.

Tác giả: NGUYỄN HOÀI - THÀNH ĐẠT

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP