Tin địa phương

Truy nguồn gốc “thần dược” trị bệnh tiểu đường

Như Báo Cần Thơ đã thông tin, nhiều bệnh nhân tiểu đường suýt mất mạng, phải nhập viện điều trị tại khoa ICU- Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ khi uống thuốc hạ đường huyết gia truyền. Thông qua chỉ dẫn của bệnh nhân, chúng tôi tìm đến địa chỉ bán thần dược điều trị bệnh tiểu đường ở Ô Môn.

Đến chợ Giáo Dẫn (thuộc khu vực Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn) hỏi nhà ông Út Chắc bán thuốc trị bệnh tiểu đường, hầu như ai cũng biết, bởi vì ông đã bán trong thời gian dài. Một hộ tiểu thương ở chợ Giáo Dẫn cho biết: “Cách vài ngày, có người đến hỏi tìm nhà ông Út Chắc để mua thuốc trị bệnh tiểu đường. Thuốc này không biết hiệu quả sao, nhưng nhiều người đến mua lắm”.

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường gia truyền. Ảnh: C.H

Qua tìm hiểu của phóng viên, ông Út Chắc đã qua đời cách nay hơn 1 năm. Việc bán thuốc hiện do vợ ông là bà Lâm Kim Xuyến đảm trách. Khi hỏi mua thuốc trị tiểu đường, bà Xuyến đưa cho chúng tôi 3 gói thuốc, với 3 màu (đỏ, xanh và xám), giá 100.000 đồng. Theo lời giới thiệu của bà Xuyến, đây là loại thuốc trị bệnh tiểu đường gia truyền, do lương y Thích Thiện Tỉnh (ở An Giang) bào chế, từ nguồn thảo dược tự nhiên và nay đệ tử của lương y này tiếp tục bào chế. Gia đình bà Xuyến quen biết, thân tình với nơi bào chế, nên mới có nguồn thuốc này để bán cho người bệnh có nhu cầu.

Cũng theo lời bà Xuyến, người bệnh uống thuốc trước khi ăn; mỗi lần uống 2 viên màu xám, 1 viên màu xanh và 1 viên màu đỏ. Người bệnh cứ vô tư ăn uống, không kiêng cử, không hạn chế ăn cơm. Sau thời gian dùng thuốc, lượng đường trong máu sẽ bình ổn.

Theo lời một cán bộ khu vực Bình An, gia đình bà Út Chắc hành nghề buôn bán thuốc trị bệnh tiểu đường này trong nhiều năm nay. Hằng ngày, có nhiều lượt bệnh nhân tìm đến mua thuốc. Tuy nhiên, việc hành nghề này có đúng quy định hay không thì khu vực không rõ.

Nơi hành nghề của gia đình bà Lâm Kim Xuyến. Ảnh: C.H

Về phía cơ quan chức năng, dược sĩ Phan Văn Thiện, Phó Trưởng Phòng Y tế quận Ô Môn cho biết: “Phòng có biết về hoạt động của nơi bán thuốc gia truyền này nhưng không có đăng ký về hoạt động y học cổ truyền. Cách nay 2 năm, được tin báo của người dân, Phòng phối hợp với Công an địa phương có thành lập đoàn đến nơi để kiểm tra hoạt động này, nhưng không bắt được quả tang. Sau khi người chồng mất, hoạt động bán thuốc cũng không nghe nói. Sau sự việc, chúng tôi có thông tin với trạm y tế địa phương để tăng cường tuyên truyền cho người dân biết khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, tránh trị bệnh theo truyền miệng, tiền mất, tật mang”.

Bác sĩ CKII y học cổ truyền Phạm Gia Nhâm cho biết, không có loại thuốc nào, dù tây y hay y học cổ truyền có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn đối với bệnh lý tiểu đường. Ngay cả đối với thuốc tây y, khi điều trị tiểu đường phải kiểm tra xét nghiệm đường thường xuyên, nếu không cũng có thể đối mặt nhiều nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Do vậy, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Hiện nay, ở các trạm y tế đều có điều trị theo y học cổ truyền. Các BV, trung tâm y tế quận, huyện cũng có chuyên khoa y học cổ truyền. BV Đa khoa TP Cần Thơ có chuyên khoa Y học cổ truyền cũng như BV Y học Cổ truyền thành phố là những nơi người dân có thể tìm đến để được điều trị kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc.

Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa ICU-BV Đa khoa TP Cần Thơ, khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên đến cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được khám, tư vấn và điều trị, không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các loại thuốc gia truyền chưa được kiểm định về tác dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng. Những bệnh nhận vừa nhập viện là minh chứng cho thấy không thể sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và không được kiểm định y khoa.

Tác giả: Tiến Hưng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP