5 năm qua, Trung tâm mở 2 lớp dạy chữ Hán Nôm miễn phí với gần 100 học viên tham gia; thẩm định nhiều tư liệu cổ cho các cơ quan chức năng; dịch và giới thiệu nhiều văn bản chữ Hán nói về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa như “Hoàng Sa đảo” của nhà bác học Lê Quý Đôn, Bộ Công thời Minh Mạng phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc ở Hoàng Sa; được thành phố công nhận là 1 trong 20 “Dấu ấn văn hóa” của Đà Nẵng qua 20 năm xây dựng và phát triển. Hiện Trung tâm có hai CLB Hán Nôm ở quận Hải Châu và quận Sơn Trà, đồng thời đã hỗ trợ thành lập CLB Hán Nôm Quế Sơn-Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục duy trì và phát triển các lớp dạy chữ Hán Nôm miễn phí; tổ chức dạy chữ Hán Nôm cho giáo viên hai môn Văn học và Lịch sử tại các trường trung học trên địa bàn thành phố; thành lập CLB Hán Nôm Liên Chiểu; biên soạn một số tài liệu phục vụ việc học chữ Hán Nôm; tiến hành thí điểm dạy chữ Hán Nôm theo hệ thống học tập cộng đồng tại phường Nam Dương (quận Hải Châu)...
Dịp này, Giám đốc Trung tâm Huỳnh Phương Bá và Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đình Ngật xin nghỉ do tuổi cao sức yếu (hai ông đã gần 90 tuổi), đồng thời giới thiệu hai ông Hoàng Ngọc Khăn (71 tuổi) và Nguyễn Đức Thắng (63 tuổi) thay thế cùng với bộ phận giúp việc 5 người.
Tác giả: Lê Văn Thơm
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng