Kinh tế

Trung Quốc tung cú hích 41 tỷ USD cho tiêu dùng nội địa

Trung Quốc hôm 25/7 đã công bố các biện pháp có mục tiêu mạnh mẽ nhất nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước vốn phục hồi mờ nhạt kể từ đại dịch Covid-19.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 3,7% trong nửa đầu năm 2024, chưa bằng một nửa mức tăng 8,2% trong cùng kỳ năm trước. Ảnh: CNBC

Tiền không giải ngân được sẽ bị thu hồi

Các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố họ sẽ phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (tương đương 41,5 tỷ USD) vào trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn để mở rộng chính sách trao đổi và nâng cấp thiết bị hiện có. Chính sách này được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc - và Bộ Tài chính đồng xuất bản.

Bình luận về động thái trên của Trung Quốc, ông Zong Liang, nhà nghiên cứu trưởng của Bank of China, nói với đài CNBC rằng: "Chưa bao giờ có những biện pháp cụ thể như vậy" nhằm vào tiêu dùng.

Ông Liang lưu ý rằng trước đó, Trung Quốc đã công bố chính sách mới liên kết chương trình trái phiếu siêu dài hạn vào tháng 3 khi nhắm đến kích thích tiêu dùng.

"Đây là một biện pháp rất quan trọng để thực hiện Hội nghị lần thứ ba (Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX - BTV)", ông Zong nói thêm.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Trung Quốc vừa kết thúc cách đây ít ngày với việc công bố một số định hướng quan trọng nhằm tái khẳng định mối quan tâm lâu dài của Bắc Kinh đối với việc củng cố các công nghệ tiên tiến. Hội nghị cũng cho thấy Trung Quốc sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu quốc gia năm nay, nhưng lại khiến nhiều nhà phân tích thất vọng khi không đưa ra những thay đổi lớn về chính sách.

Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ cắt giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7% và đồng thời cải thiện cơ chế hoạt động thị trường mở.

Ngay sau đó, Trung Quốc cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản với cùng mức lãi suất ấn định hàng tháng. Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm đã giảm xuống 3,35%, từ mức 3,45% trước đó, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm giảm xuống 3,85%, từ mức 3,95%.

Thêm vào đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng vừa công bố tăng cường chính sách hỗ trợ tiêu dùng.

"Động thái này là một mũ tên trúng ba đích: Thúc đẩy tiêu dùng, hấp thụ sản lượng công nghiệp và [củng cố] tăng trưởng kinh tế để đáp ứng mục tiêu đã đề ra là 5%", ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại JLL, đánh giá.

Chính sách này ít nhất sẽ tăng gấp đôi số tiền trợ cấp cho người dân mua xe xanh và xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống lên lần lượt là 20.000 nhân dân tệ và 15.000 nhân dân tệ mỗi chiếc.

Gói kích thích trên cũng đưa ra các khoản trợ cấp cho một loạt việc nâng cấp thiết bị, từ những thiết bị dùng trong nông nghiệp đến thang máy chung cư. Giới chức Trung Quốc lưu ý rằng khoảng 800.000 thang máy ở Trung Quốc đã được sử dụng trong hơn 15 năm và 170.000 trong số đó đã được sử dụng trong hơn 20 năm.

Chính sách này cũng đưa ra các khoản trợ cấp cụ thể cho việc cải tạo nhà cửa và hỗ trợ người tiêu dùng mua tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính, điều hòa không khí và các thiết bị gia dụng khác. Theo đó, mỗi người tiêu dùng có thể nhận được trợ cấp lên tới 2.000 nhân dân tệ cho một lần mua hàng ở mỗi danh mục hỗ trợ.

Tuy phân bổ khoảng 300 tỷ nhân dân tệ dưới dạng trái phiếu siêu dài hạn để chính quyền địa phương sử dụng để trợ cấp, chính sách mới của Trung Quốc cũng lưu ý rằng chính quyền trung ương sẽ thu hồi mọi khoản tiền chưa sử dụng vào cuối năm 2024.

"Điều này có nghĩa là họ đang nhấn mạnh rằng tiền phải được chi tiêu", ông Zong nói. Nhà phân tích này lưu ý rằng việc phân bổ tới 300 tỷ nhân dân tệ cũng phản ánh "lối tư duy mới" có thể có tác động trên quy mô lớn.

Doanh số bán lẻ trì trệ

Các biện pháp mạnh mẽ trên được đưa ra vào thời điểm người tiêu dùng Trung Quốc không sẵn sàng chi tiêu, một phần do sự bấp bênh về thu nhập trong tương lai và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, điều mà ông Zong cho rằng "không lý tưởng".

Những lo ngại về chi tiêu tiêu dùng mờ nhạt của Trung Quốc gần đây đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của giới phân tích.

Người đồng sáng lập Trip.com, ông James Liang, mới đây đã kêu gọi Bắc Kinh phát hành các phiếu giảm giá tiêu dùng. Còn Li Yang, người đứng đầu Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NFID) cũng đã cảnh báo về mức chi tiêu dùng ở Trung Quốc đang giảm dần.

Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt 3,7% trong nửa đầu năm nay, chậm hơn so với tốc độ tăng 8,2% trong cùng kỳ năm trước.

Điều đó có nghĩa là "áp lực thúc đẩy tiêu dùng là khá lớn", ông Liu Xiaoguang, giáo sư kinh tế từ Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC), nêu trong bài thuyết trình trước các phóng viên hôm 25/7.

Giáo sư Liu cho rằng thị trường nhà ở Trung Quốc vẫn chưa đạt được bước ngoặt rõ ràng và sẽ cần thời gian để củng cố. Tuy nhiên, ông cho biết với các kế hoạch “cải cách sâu rộng” được công bố gần đây của Trung Quốc, nền kinh tế này có thể tăng trưởng 5,3% trong năm nay, thay vì mức tăng 5,1% nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ như trên.

Tác giả: Đông Phong

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP