Thế giới

Trung Quốc sẽ làm gì nếu thua kiện ở Biển Đông?

Trung Quốc có thể lựa chọn đi theo 3 kịch bản sau đây nếu nhận được phán quyết bất lợi từ PCA. Tuy vậy, tất cả các hướng đi này đều xấu đối với châu Á.

Ngày 12/7 tới đây, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ chính thức đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định rằng Trung Quốc sẽ phải nhận về một kết quả tiêu cực. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ hành động thế nào sau khi nhận được phán quyết bất lợi đối với mình?

Đội bảo vệ danh dự trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Harry Kazianis, chuyên gia phân tích của tờ National Interest đã đưa ra 3 khả năng Trung Quốc có thể sẽ đi theo sau khi có phán quyết không mong muốn từ PCA. Tuy vậy, ông cho rằng dù Bắc Kinh đi theo kịch bản nào, nó vẫn là điều xấu đối với châu Á.

Khả năng ít xảy ra nhất: Trung Quốc vẫn tiếp tục những gì đã làm trước đó trên Biển Đông.

Đây không phải một sự lựa chọn tồi đối với Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tiếp tục bồi đắp, xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông, biến nơi này thành những căn cứ quân sự được trang bị các loại vũ khí chống tàu sân bay, các loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại và biến Biển Đông thành Khu vực chống tiếp cận/chống thâm nhập (A2 / AD).

Trong kịch bản này, Bắc Kinh một mặt sẽ mạnh mẽ phản đối phán quyết của PCA, nhưng mặt khác sẽ chú trọng làm tiếp những công việc đang dang dở của mình trên Biển Đông như những gì từng tuyên bố trước đó.

Tuy nhiên ông Harry Kazianis cho rằng phản ứng như vậy sẽ ít có khả năng xảy ra nếu đặt trong tương quan với tình hình hiện tại của Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải đứng dưới áp lực rất lớn để đáp ứng một cách mạnh mẽ và công khai hơn đối với các tuyên bố của mình.

Các chiến lược cũ sẽ không được áp dụng nữa bởi công chúng nước này yêu cầu một phản ứng cứng rắn hơn để cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ không thể bị lung lay trước sức ép của các thế lực bên ngoài trong việc tạo ảnh hưởng trên Biển Đông.

Điều này sẽ dẫn đến 2 kịch bản dưới đây và cả 2 đều có thể kích động một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa các siêu cường.

Khả năng dễ xảy ra nhất: Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông

Chuyên gia Harry Kazianis nêu quan điểm rằng, động thái thiết lập ADIZ đã được Trung Quốc rục rịch chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Các quan chức nước này khi được hỏi đều cho biết, Bắc Kinh không có kế hoạch cho ADIZ trong thời điểm hiện tại, nhưng một quyết định thiết lập ADIZ trong tương lai sẽ dựa trên môi trường đe dọa ở Biển Đông. Ông cho rằng một phán quyết bất lợi từ PCA chính là cơ sở mà Trung Quốc sẽ thay đổi thái độ của mình.

Bắc Kinh sẽ biện minh trên các phương tiện truyền thông rằng: Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa và "buộc" phải thiết lập ADIZ trước sức ép của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc sẽ xem xét việc triển khai các tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu để tiến hành xác lập Vùng nhận dạng phòng không trong khu vực bất kể việc nước này không đủ khả năng thực thi giống như ở biển Hoa Đông.

Một tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng đáng kể. Một khu vực như vậy, tùy thuộc vào qui mô và phạm vi của nó có thể tạo ra một bức tranh khủng hoảng trên khắp châu Á. Điều này sẽ thúc giục Washington phải có phản ứng mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn thuần là hành động cử một, hai chiếc B-52 chỉ để hăm dọa.

Khả năng thứ ba: Trung Quốc hung hăng hơn trên khắp châu Á

Nếu triển khai một ADIZ là không đủ trong mắt của giới chức Bắc Kinh, nước này có thể quyết định đưa tầm ảnh hưởng của mình tới mọi điểm nóng ở châu Á.

Bắc Kinh có thể gia tăng đáng kể tuần tra bằng không quân và hải quân ở Biển Hoa Đông, khiêu khích Nhật Bản. Đồng thời ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò các mỏ dầu khí trên khắp khu vực mà nước này đi qua.

Trung Quốc có thể quyết định tăng cường gây sức ép đối với Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cân nhắc quyết định cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch đại lục đến hòn đảo này. Ngoài rai, ông cũng làm chững lại lượng đầu tư, thương mại đối với các lĩnh vực mà Đài Bắc đang bị phụ thuộc.


Trong thực tế, ông Tập Cận Bình nắm trong tay rất nhiều quân bài có thể sử dụng để khiến cho Đài Loan gặp nhiều khó khăn - đây cũng là biện pháp hữu ích cho việc hướng tâm điểm chú ý của châu Á chuyển từ Biển Đông về căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh có thể quyết định công khai chiếm bãi cạn Scarborough trong thời điểm này hay không? Harry Kazianis cho rằng đây sẽ là động thái nguy hiểm nhất và gây tranh cãi nhất.

Washington dường như đã truyền tải thông điệp rằng nước này không để yên và "sẽ hành động" sau khi triển khai các loại chiến đấu cơ như máy bay ném bom A-10 Warthog và các máy bay khác ở Philippines trong thời gian qua.

Tuy nhiên, liệu Mỹ sẽ làm gì nếu tàu hút bùn Trung Quốc xuất hiện cách bờ biển Philippines 150 dặm và quyết định Scarborough trở thành một căn cứ quân sự tuyệt vời trên Biển Đông? Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Kết luận lại, ông Harry Kazianis bày tỏ rằng, cả thế giới sẽ dồn tâm điểm chú ý trước và sau ngày 12/7 và thật không may cho khu vực, những gì sẽ xảy ra sau phán quyết của PCA có thể khiến cho tình hình căng thẳng hơn ở Biển Đông trong nhiều tháng tới.

Tác giả bài viết: Minh Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP