Thể thao

Trung Quốc mua Inter: Bình minh nào cho thành Milano

Suning Holdings đã thâu tóm Inter, và AC Milan cũng có thể sẽ rơi vào tay một tập đoàn Trung Quốc khác. Nếu thế, trận derby từng một thời là niềm tự hào của Italy sẽ trở thành "derby China".

"Chúng tôi sẽ nỗ lực để Inter Milan mạnh hơn, rực rỡ hơn," Chủ tịch tập đoàn Suning Holdings Zhang Jindong tuyên bố đầy hứng khởi chiều thứ Hai vừa qua, sau khi công ty bán lẻ lớn nhất Trung Quốc bỏ ra 300 triệu đôla để chiếm 68,55% cổ phần của một trong những CLB lớn nhất thế giới. Kỷ nguyên vinh quang pha lẫn xót xa của Massimo Moratti đã chính thức khép lại.


Tập đoàn Suning trong lễ công bố việc mua Inter.

Inter và Trung Hoa từng có nhiều liên hệ trong quá khứ. Năm 1978, Inter là CLB đầu tiên của Italy ghé thăm Trung Quốc, chỉ một tháng sau West Brom của Anh. Họ hòa 1-1 với đội tuyển Trung Quốc tại Bắc Kinh trong trận đầu tiên của một chuyến du đấu gồm bốn trận. Serie A là giải đấu đầu tiên mà người Trung Quốc quan tâm, yêu mến vào cuối thế kỷ 20. Những cư dân Trung Hoa thuộc thế hệ cũ, những cây viết thể thao kỳ cựu ở đây vẫn dành tình yêu đặc biệt cho giải đấu đã có một thời hoàng kim này, cũng giống như một bộ phận không nhỏ khán giả ở Việt Nam - đặc biệt là những người sinh vào thập niên 1970 và 1980. Những CLB của thành Milan và Roma, thậm chí cả Juventus, dù đã tụt lại khá xa với Real Madrid hay Barcelona những năm gần đây vẫn lưu giữ những phần ký ức rất đẹp của các CĐV Serie A.

Thế nên trong đại chiến dịch tấn công vào bóng đá đầy tham vọng của Trung Quốc, họ "ưu tiên" cho Serie A trước cũng là điều dễ hiểu. Các CĐV của Inter đang đặt câu hỏi: việc Suning Holdings chính thức làm chủ CLB có ý nghĩa gì? Nhưng họ không phải là những người đầu tiên đặt ra câu hỏi này. Trước đó, tập đoàn hùng mạnh này đã giành quyền làm chủ CLB Jiangsu, CLB ở chính giải vô địch Trung Quốc, với chi phí 80 triệu đôla vào tháng 12/2015.


Đối với nhiều CĐV châu Á, bóng đá Italy vẫn có một sức hút đặc biệt.

Chỉ vài tháng sau cuộc thay đổi ấy, các ngôi sao lũ lượt kéo đến Jiangsu. Trong đó có Ramires từ Chelsea với giá 37 triệu đôla. Đến tháng Hai, Alex Teixeira gia nhập với giá 57 triệu đôla. Trung Đông một thời là nơi dưỡng già của các ngôi sao hết thời, sau đó đến lượt Mỹ. Nhưng hai nơi này chỉ trả lương cao, còn Trung Quốc trả phí chuyển nhượng rất cao. Cao đến mức những CLB có cầu thủ mà họ định mua phải thốt lên hai chữ: "Phi lý!"

Sau Teixeira, Jiangsu hoàn tất bộ tam Brazil khi chiêu mộ chân sút Jo. Trung vệ của đội tuyển Australia Trent Sainsbury tháp tùng không lâu sau đó. Rồi họ vung 7,6 triệu đôla ra để biến thủ môn quốc nội Gu Chao trở thành thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc. Họ chưa hề đặt mục tiêu vô địch, chỉ cần kết thúc giải vô địch mùa này cao hơn vị trí thứ chín mùa trước là đủ. Trước họ, Guangzhou Evergrande đã đầu tư và hái quả trước với năm chức vô địch liên tiếp.

Thế nên các CĐV Inter có quyền hy vọng vào tương lai, khi tiền không phải là vấn đề với Suning Holdings. "Giành quyền làm chủ Inter Milan là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường quốc tế của Sunning," Chủ tịch Zhang Jindong của tập đoạn này nói. "Đấy là bước đầu tiên để chúng tôi tiến vào thị trường Đông Nam Á và châu Âu".


Serie A từng một thời là giải đấu số một châu Âu.

Kinh tế đi liền với bóng đá, lấy bóng đá để làm kinh tế. Ông Zhang nói về một "hệ thống liên hoàn" bao gồm làm chủ CLB, thiết lập mạng lưới đại diện cầu thủ, tập đoàn truyền thông và... nhiều hơn thế. Các CĐV Inter có vẻ chưa cần quan tâm nhiều đến những điều ấy. Sau quá nhiều năm khó khăn, họ muốn nhìn thấy ánh sáng mặt trời, và nhìn thấy những ông chủ mới mang đến những tham vọng lớn và những túi bạc không đáy.

Còn Trung Quốc thì vẫn đang trong một cuộc "xâm lăng bóng đá" theo chiến lược tham vọng của quốc gia này. Trước Inter, người Trung Quốc đã làm chủ Aston Villa, có cổ phần ở Man City. Sau Inter, họ định chiếm nốt AC Milan. Còn Atletico Madrid - đội đã vào chung kết Champions League hai lần trong ba năm qua - đang có 20% cổ phần "nói tiếng Trung Quốc". Và chỉ riêng kỳ chuyển nhượng giữa mùa vừa qua, Trung Quốc đã chi khoảng 340 triệu đôla.

Inter Milan, thực chất, vẫn chỉ là giai đoạn khởi đầu cho một công cuộc "bành trướng thể thao" của người Trung Quốc.

Tác giả bài viết: Thủy Tiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP