Tòa án Giao thông Đường sắt Thượng Hải đã nêu tên ông này từ đầu tháng, do chậm trả khoản nợ 2,9 triệu NDT (hơn 430.000 USD). Một tòa án khác ở Chiết Giang cũng phát lệnh phong tỏa tài sản công ty ông cách đây 2 năm vì nợ tiền Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, người vay tại nước này càng khó trả nợ. Việc này đã khiến nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc vượt 299 tỷ USD cuối tháng 5. Dù vậy, giới phân tích cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Để giải quyết việc này, các tòa án Trung Quốc đã phải dùng đến cách bêu tên con nợ ở nơi công cộng. Việc này cho thấy sự thất bại của các biện pháp truyền thống.
Zhou Qiang - Người đứng đầu Tòa án Tối cao Trung Quốc hồi tháng 3 cho biết trốn nợ là một vấn đề lớn. Và tòa án sẽ khiến những người này "không còn chỗ trốn nữa". Họ sẽ thu thập thông tin cá nhân của những con nợ, tổ chức họp báo và hạn chế sử dụng thẻ tín dụng.
Màn hình tại một nhà ga ở Thượng Hải hiện thông tin người nợ. Ảnh: Reuters
Trong 2 tuần gần đây, tên, số chứng minh thư, địa chỉ, số hiệu vụ án và khoản tiền nợ của 20 người - cả cá nhân và chủ doanh nghiệp, đã được phát tại các màn hình ở 2 nhà ga chính tại Thượng Hải trong 10 phút. Trong một số trường hợp, các biển quảng cáo này còn hiện cả ảnh.
Có người bị bêu tên lên bảng điện tử chỉ nợ số tiền khá nhỏ, gần 2.000 NDT. "Đây là sáng kiến quan trọng để giảm tình trạng trốn nợ", Tòa án Giao thông Đường sắt Thượng Hải cho biết trên Reuters.
Một số người bị nêu tên đã thay số điện thoại, địa chỉ và biến mất. Vì thế, việc này có thể giúp người dân phát hiện tung tích và báo cho giới chức.
Các biện pháp thông thường là phong tỏa và buộc thanh lý tài sản không có tác dụng. "Có quá nhiều vụ án và quá ít thẩm phán. Mỗi người phải xử lý rất nhiều vụ mỗi năm", Wu Zhendong - một luật sự dịch vụ tài chính tại King & Wood Mallesons giải thích.
Cuối năm ngoái, một nghị định của Cục Quản lý Hành chính Công Thương Trung Quốc cũng đã nêu rõ các trường hợp một công ty có thể bị bêu tên công khai. Nghị định này mở rộng từ một quy định của Tòa án Tối cao Trung Quốc năm 2013. Theo đó, thông tin về con nợ kém trung thực có thể được đăng trên báo, đài, TV và Internet.
Nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã áp dụng biện pháp này trước đây. Còn Thượng Hải mới thực hiện năm nay và chưa thấy hiệu quả. Hồi tháng 5, thông tin của 76 con nợ đã được đăng lên bảng điện tử bên ngoài 5 trung tâm thương mại nổi tiếng. Tuy nhiên, tòa án không nhận được thông tin nào từ người dân. Họ cũng không treo giải cho người cung cấp tin nữa.
Hơn 3,4 triệu người trốn nợ tại Trung Quốc đã bị bêu tên, theo một thông báo của Tòa án Tối cao Trung Quốc. Tuy nhiên, mới có 10% số này "hoàn thành nghĩa vụ".
Để ngăn chặn tình trạng chậm trả nợ, các tòa án Trung Quốc còn tăng cường sử dụng một điều luật từ năm 2014. Theo đó, các thẩm phán có quyền cấm người chậm trả nợ đi nghỉ mát, cho con học trường tư, làm các hoạt động sửa nhà xa xỉ, đi máy bay hay đi tàu.
"Tôi bị kiện. Tòa muốn tôi trả nợ, nhưng tôi không có tiền. Chính phủ nói tôi không thể đi tàu cao tốc, không thể đi máy bay", một người đàn ông họ Zhang cho biết. Anh nói rằng đã bị bên thứ 3 lừa, khiến mình không thể trả nợ. "Bố tôi năm nay 80 tuổi rồi. Nhưng tôi không thể về thăm ông ấy dịp Tết, vì làm thế tôi sẽ bị bắt", anh nói.
Tác giả bài viết: Hà Thu