Kinh tế

Trung Quốc áp đảo Mỹ về chiến tranh kinh tế

Khi trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, Trung Quốc đã liên tục sử dụng quyền lực để đạt mục đích của mình, chuyên gia chính sách nước ngoài - Robert Blackwill và Jennifer Harris nhận xét.

Khi Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Liu Xiaobo năm 2010, Trung Quốc đã giảm đáng kể nhập khẩu cá hồi từ nước này, đồng thời ngừng các cuộc đàm phán thương mại. Khi căng thẳng gia tăng với Philippines về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, Trung Quốc đã bỏ mặc chuối nhập từ nước này mục nát ở cảng. Và trong nhiều năm, Bắc Kinh đã trả đũa mạnh tay bằng cách cắt (hoặc đe dọa cắt) quan hệ kinh doanh với bất kỳ nước nào công nhận Đài Loan là quốc gia.

Trong cuốn sách mới nhất "Chiến tranh bằng các công cụ khác", cả Blackwill và Harris đều cho rằng Mỹ nên sử dụng chiến lược như Trung Quốc, và phải làm tốt hơn. Vì hiện tại, Mỹ đang bị Trung Quốc lấn lướt về chính sách này.

"Dù có quyền lực lớn nhất thế giới, Mỹ lại sử dụng vũ lực quá thường xuyên thay vì động đến kinh tế, khi giải quyết các vấn đề quốc tế", họ cho biết.

Chuối Philippines từng bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Inquirer


Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không phải chỉ sử dụng biện pháp trừng phạt để có thứ họ muốn. Nước này còn cho vay và hỗ trợ các quốc gia như Venezuela - vốn không hòa thuận với Mỹ. Bắc Kinh đã sử dụng quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ để đổ tiền - một cách chiến lược - vào những nơi họ muốn gây dựng quan hệ chính trị.

Trung Quốc thậm chí còn "ngoại giao sân vận động". Theo đó, họ bỏ tiền và xây dựng các sân vận động, chủ yếu tại các nước châu Phi có nguồn tài nguyên nước này muốn tiếp cận.

Mỹ đã từng rất xuất sắc trên lĩnh vực này. Tổng thống Thomas Jefferson đã gần như tăng gấp đôi diện tích quốc gia với Louisiana Purchase - vùng đất họ mua lại từ Pháp năm 1803. Ông đã không mang quân đội tới Paris, mà mang tiền đến. Và với 15 triệu USD, kết quả rất mỹ mãn.

Tương tự, Abraham Lincoln đã đe dọa Anh rằng nếu đứng về phe Liên minh trong Nội chiến Mỹ, họ sẽ mất hàng tỷ USD đã đầu tư vào đây. Và khi Anh chiếm quyền kiểm soát Kênh đào Suez năm 1956, Dwight Eisenhower đe dọa đánh sập đồng bảng nếu Anh không rút quân.

"Địa kinh tế (geoeconomics) đơn giản và rẻ hơn" là can thiệp quân sự, Blackwill và Harris cho biết. Đây là một trong những lý do Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đang thực hiện việc này.

Tuy vậy, 30 năm qua, họ cho rằng Mỹ gần như đã ngừng hoạt động này, để chuyển sang quân sự. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Iran.

Họ cho rằng hiện tại là thời điểm quan trọng để thay đổi, do các thị trường đã trở nên toàn cầu hơn. Và các quốc gia cũng đang cân nhắc mối quan hệ kinh tế nào quan trọng hơn với họ - Mỹ hay Trung Quốc.

Dĩ nhiên, cũng như quân sự, chiến tranh kinh tế không phải lúc nào cũng hiệu quả. Trung Quốc đã học được bài học này từ Nam Mỹ. Họ lên kế hoạch xây tuyến đường sắt khổng lồ chạy dọc bờ biển tại đây. Tuy nhiên, nó đã thất bại khi kinh tế Brazil chìm vào suy thoái và chính trị cũng bất ổn sau một scandal tham nhũng lớn. Toàn bộ số tiền Trung Quốc rót vào Venezuela hiện cũng chẳng có tương lai, khi kinh tế nước này lao dốc.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn được tiếng là người cho vay cuối cùng, khi không còn nguồn nào để vay nữa. Nó đã giúp họ có thêm đáng kể quyền lực trên thế giới.

"Các quốc gia không sợ sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mà họ sợ khả năng trao, hoặc rút quyền thương mại và đầu tư của nước này", Leslie Gelb - Chủ tịch danh dự của tổ chức phi lợi nhuận CFR cho biết trong một bài báo năm 2010.

Tác giả bài viết: Hà Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP