Thế giới

Trời nóng, nông dân tự tử nhiều hơn?

Một nghiên cứu mới của Trường ĐH California (Mỹ) vừa đưa ra con số khiến Ấn Độ không khỏi giật mình: Biến đổi khí hậu có thể đã góp phần dẫn đến gần 60.000 vụ tự tử của nông dân và người làm việc tại các nông trại ở quốc gia Nam Á này trong 3 thập kỷ qua.

Theo cuộc nghiên cứu, nhiệt độ tăng thêm 1 độ C trong một ngày bất kỳ của mùa trồng trọt có liên hệ với 67 vụ tự tử. Trong khi đó, nhiệt độ tăng thêm 5 độ C gắn liền với 335 vụ tự tử, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS hôm 31-7. Trong khi đó, việc lượng mưa tăng thêm 1 cm mỗi năm có mối liên hệ với tỉ lệ giảm bình quân 7% của các vụ tự tử.

Năm 2015 ghi nhận ít nhất 12.602 nông dân tự tử khắp Ấn Độ - một con số chấn động dư luận. Đến năm rồi, số vụ tự tử trong lĩnh vực nông nghiệp dù giảm nhưng vẫn ở mức cao đáng ngại và tiếp tục gây sức ép không nhỏ lên các nhà lập pháp. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, ít nhất 852 nông dân tự tử tại bang Maharashtra đang bị hạn hán. Tính chung, hơn 300.000 nông dân và người làm việc tại nông trại tự tử kể từ năm 1995.

Một nông dân tại bang Uttar Pradesh - Ấn Độ Ảnh: PTI

Nỗi lo của bà Tamma Carleton, tác giả cuộc nghiên cứu trên, là không có nhiều bằng chứng chứng tỏ nông dân thay đổi tập quán trồng trọt để thích ứng với nhiệt độ gia tăng. "Nếu không có những can thiệp để giúp các gia đình thích ứng với khí hậu ngày một ấm hơn, chúng ta có thể chứng kiến số vụ tự tử gia tăng ở Ấn Độ" - bà Carleton nói với tờ The Guardian.

Bà Carleton càng có lý do để lo lắng khi nhiệt độ thế giới nhiều khả năng tăng thêm hơn 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Đây là kết quả từ 2 cuộc nghiên cứu cùng được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change hôm 31-7. Theo đài CNN, một nghiên cứu dựa vào phương pháp phân tích thống kê để đưa ra đánh giá nhiệt độ trái đất có 95% khả năng tăng thêm hơn 2 độ C và 1% khả năng tăng chưa đến 1,5 độ C.

Trong khi đó, nghiên cứu còn lại phân tích tình trạng thải khí gây hiệu ứng nhà kính và đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá khứ. Theo nghiên cứu này, ngay cả khi con người chấm dứt đốt nhiên liệu hóa thạch lúc này, trái đất vẫn tiếp tục nóng thêm 2 độ C vào năm 2100. Trong trường hợp khí nhà kính tiếp tục được thải ra môi trường trong 15 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm đến 3 độ C.

Hai nghiên cứu trên được tiến hành trước khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (vào đầu tháng 6) nên dự báo nói trên có thể thêm u ám. Ông Adrian Raftery, chuyên gia tại Trường ĐH Washington (Mỹ) và là tác giả nghiên cứu đầu tiên, đánh giá quyết định của ông chủ Nhà Trắng khiến mục tiêu của Hiệp định Paris càng thêm khó đạt được - giữ nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tác giả: Hoàng Phương

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP