Những ngày qua, người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn khen ngợi chiến công của các lực lượng tham gia chuyên án 115/T trong việc theo dõi, truy bắt băng trộm tiệm vàng ở miền Tây.
Ngoài cảnh sát hình sự, những trinh sát của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục an ninh (Bộ Công an) đã góp phần quan trọng trong việc phá án.
Khi đột nhập vào các tiệm vàng, bọn trộm đội nón rộng vành, che kín mặt và mang găng tay. Ảnh cắt từ camera an ninh.
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, năm 2015, nhiều tiệm vàng cặp mé sông ở các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp... liên tiếp bị trộm đột nhập. Nhiều nữ trang có giá trị lớn bị kẻ trộm lấy đi khiến chủ tiệm vàng hoang mang, bất an trong kinh doanh.
"Siêu trộm" luôn bịt mặt, đeo giăng tay
Từ chuyên án 115/T "Trộm cắp tài sản" của Công an Cần Thơ, ngày 4/12/2015, Tổng cục cảnh sát có quyết định 210 về việc thành lập Ban chỉ đạo điều tra chuyên án trộm tiệm vàng để điều tra các vụ trộm tiệm vàng ở những tỉnh phía Nam.
Sau khi tổng hợp hồ sơ, cảnh sát thống kê đến ngày 7/6, tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ xảy ra 21 vụ trộm do nhóm này gây ra. Trong đó có 10 vụ trộm tiệm vàng, 11 vụ trộm cơ sở kinh doanh, tổng tài bị mất hơn 10 tỷ đồng.
Khó khăn của ban chuyên án là hầu hết các vụ trộm đều không để lại dấu vân tay của hung thủ do chúng sử dụng găng tay. Việc nhận dạng cũng khó khăn vì "siêu trộm" đeo khẩu trang kín mặt, thường vô hiệu hóa camera an ninh trước và trong tiệm vàng. Từ đó, ban chuyên án xác định đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp, sử dụng phương tiện thủy để di chuyển.
Hàng trăm nghi can có tiền án Trộm cắp tài sản được Công an TP Cần Thơ và các tỉnh phối hợp xác minh, sàng lọc. Lúc này, hàng chục trinh sát vẫn tiến hành việc điều tra thầm lặng, tỉ mỉ. Đến tháng 3/2016, họ phát hiện ra người đàn ông làm nghề ghe cào trên sông Hậu là Nguyễn Văn Dân (42 tuổi, quê ấp Mỹ Lợi, xã Thiện Mỹ (Trà Ôn, Vĩnh Long) có nhiều dấu hiệu nghi vấn
.
7 bị can trong băng trộm chia thành hai nhóm. Nhóm một là Nguyễn Văn Dân (trái), Lê Văn Dũng, Nguyễn Minh Thắng và Phùng Thanh Tâm. Ảnh: C.A.
Xác minh nhân thân của Dân cho thấy, người đàn ông 42 tuổi này lớn lên trong gia đình nghèo gần thị trấn Trà Ôn. Anh ta từng làm thuê đủ nghề rồi sống như vợ chồng với một phụ nữ ở ấp Cái Tràm B, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu).
Khoảng 3 năm nay, vợ chồng Dân đưa con trên 10 tuổi trở lại quê nhà xã Thiện Mỹ của huyện Trà Ôn để sinh sống bằng nghề chài lưới. Anh ta và em rể Lê Văn Mười (39 tuổi, ngụ khu 4, thị trấn Trà Ôn) còn mua cá chứa trong can nhựa loại to để chở ra chợ cho vợ bán.
"Hàng xóm thấy Dân tính tình hiền lành, chịu khó mua bán, ở nhà cây lá lụp xụp phía sau nhà cha ruột ven sông Hậu. Vợ Dân theo đạo nên nghe nói vài tháng nữa nhà thờ cho tiền xây nhà. Trước lúc bị bắt, anh em Dân đi bắt cua ngang nhà tôi và nói cười vui vẻ", một láng giềng nói.
Công an thả trộm để tránh bị lộ
Sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tháng 6/2016, công an xác định 7 nghi can trộm tiệm vàng gồm Nguyễn Văn Dân, Lê Văn Mười (em rể Dân), Lê Văn Dũng (50 tuổi, anh ruột Mười, cùng ở Vĩnh Long), Lý Văn Đợi (còn gọi là Méo, Hải, 52 tuổi), Nguyễn Văn Điệp (Lùn, 44 tuổi), Nguyễn Minh Thắng (Thanh "Mập", 53 tuổi) và Phùng Thanh Tâm (Tâm "Gầy", 42 tuổi, cùng ở TP HCM).
Trinh sát theo dõi đến đầu tháng tháng 7/2016 thì thấy Dân, Dũng và Tâm đang chuẩn bị kế hoạch trộm nên báo cho cấp trên. Mật phục theo dõi đến ngày 9/7, lực lượng điều tra phát hiện bọn trộm sử dụng ghe tải trọng 3 tấn, gắn máy nổ hiệu D15 chạy từ Trà Ôn sang thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) nhưng không thực hiện được vụ trộm nào.
Nhóm hai là Lý Văn Đợi (trái), Nguyễn Văn Điệp (giữa) và Lê Văn Mười. Hai nhóm này có sự thay thế người cho nhau khi một trong hai nhóm có thành viên không tham gia được. Ảnh: C.A.
Đêm 10/7, băng trộm đường sông di chuyển sang TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhưng không đột nhập tiệm vàng nào. Đến rạng sáng 11/7, Tâm dùng kìm cộng lực cắt 2 lớp khóa cửa sắt để vào tiệm vàng Kim Yến ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Công an ngay sau đó ập vào bắt Tâm nhưng tên này chưa trộm được gì nên khó xử lý.
Một cuộc họp khẩn cấp của các thành viên trong ban chuyên án được diễn ra vào sáng cùng ngày. Người chỉ huy xác định phải làm sao để băng trộm nghĩ rằng chúng không bị các trinh sát theo dõi để chờ lúc "cất vó" cả nhóm.
Vậy là Công an xã Tân Thanh nhận lệnh chỉ lập biên bản và tạm giữ hành chính Tâm một ngày rồi thả. Khi được tự do, tên này nói với đồng bọn là chủ tiệm vàng Kim Yến báo công an xã bắt kẻ lạ vào nhà chứ không hề bị trinh sát theo dõi.
Trinh sát trầm minh dưới sông suốt đêm
Nửa tháng trôi qua, khi các trinh sát vẫn còn ém quân ở Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp thì phát hiện Đợi và Thắng từ Sài Gòn xuống ấp Mỹ Phó (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) để to nhỏ với Dũng. Họ bàn tính "công việc" rồi dùng ghe di chuyển theo sông Hậu xuống Kế Sách (Sóc Trăng) để chờ thời cơ đột nhập tiệm vàng.
Đêm 25/7, băng trộm ăn nhậu say xỉn nhiều ở Kế Sách rồi sau đó chạy ghe xuống Bạc Liêu. Do máy bị hỏng nên Dũng, Thắng, Đợi không đi trộm mà sửa máy rồi di chuyển ngược lên chợ Nhu Gia của xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Sau vài ngày nghiên cứu địa bàn, bọn chúng thấy khó nên chạy ghe đến sông Cổ Cò ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) giống như những thương buôn.
"Chúng tôi nhận định băng trộm có thể đột nhập các tiệm vàng ở chợ Cổ Cò hoặc chợ Kinh của xã Gia Hòa 2. Trước đêm 29, rạng sáng 30/7, Thắng với Đợi chạy ghe qua lại chợ Kinh nhiều lần chứng tỏ bọn chúng đã xác định được điểm đến", một trinh sát kể.
Với mục đích bắt quả tang kẻ trộm nên công an địa phương gặp các chủ tiệm vàng để bàn phương án phối hợp. Được sự hợp tác tích cực của chủ tiệm vàng, Ban chuyên án chia lực lượng thành 6 tổ để "giăng lưới" băng trộm.
Ngoài việc phục kích trong tiệm vàng, nhiều trinh sát dùng ghe, vỏ lãi (giống xuồng máy) chạy dọc theo sông Cổ Cò để giám sát khu vực có nhiều tiệm kim hoàn. Ngoài 8 trinh sát bí mật giám sát theo dọc bờ sông đối diện phía sau bốn tiệm vàng, 4 trinh sát tinh nhuệ như "đặc công nước" nhận nhiệm vụ trầm mình suốt đêm dưới sông để hỗ trợ đồng đội.
Từ căn nhà lá lụp xụp và thường xuyên ngập nước ven sông, hơn một năm trước Lê Văn Dũng đã xây được nhà tường. Ảnh: Việt Tường.
1h ngày ngày 30/7, trinh sát báo về chỉ huy nội dung phát hiện Đợi và Thắng chạy hai vòng qua chợ Kinh ở ấp Dương Kiểng. Thấy không có gì bất thường, chúng neo ghe cách chợ này khoảng 800 m về hướng cầu Mỹ Thanh.
Một chiếc vỏ lãi sau đó được bộ đôi khiêng ra khỏi ghe và thả xuống sông để chạy đến chợ Kinh. Khi cách tiệm vàng cần đột nhập khoảng 300 m, tên cầm lái tắt máy, bơi đến phía sau của tiệm vàng cuối chợ rồi dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa sau để vào trong.
"Sau khi bổ dưa hấu ăn như nhà vắng chủ, một tên đến tủ trưng bày để lấy vàng, tên kia cầm một đoạn gỗ dài khoảng 80 cm đứng tại cửa phòng của chủ tiệm. Khi cảnh sát ập đến bắt quả tang một tên vừa lấy khoảng 7 lượng vàng thì tên còn lại chạy tra nhà sau rồi nhảy xuống nước nhưng bị lực lượng trầm mình dưới sông bắt giữ", cán bộ điều tra kể.
Đối chiếu lời khai của Thắng và Đợi, từ sáng đến khuya 30/7, cảnh sát bắt anh em Dũng - Mười với Dân, Điệp. Một ngày sau đó, Tâm cũng tra tay vào còng khi đang ở TP HCM. Hiện, 7 tên "siêu trộm" đã bị tạm giam. Chúng đã thừa nhận thực hiện 15 vụ đột nhập tiệm vàng và cơ sở mua bán ven sông Hậu ở miền Tây.
Tác giả bài viết: Việt Tường
Nguồn tin: