Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ của ngân hàng đã mở rộng phạm vi sử dụng thẻ cho trẻ em. Nếu như quy định cũ trước đây, thẻ phụ ngân hàng chỉ áp dụng cho độ tuổi từ 15 trở lên thì nay, trẻ 6 tuổi đã có cơ hội sử dụng.
Trẻ em có thể dùng thẻ ngân hàng nhưng là thẻ phụ do bố mẹ kiểm soát và không được phép rút tiền mặt.
Cụ thể, trẻ từ 6 đến dưới 15 tuổi, nếu không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, được người đại diện theo pháp luật đồng ý (thường là bố, mẹ) bằng văn bản có thể dùng thẻ phụ. Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này chỉ được sử dụng thẻ ghi nợ (không được thấu chi) và thẻ trả trước. Trong khi đó, trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi cũng được sử dụng thẻ phụ nhưng áp dụng cho cả ghi nợ lẫn tín dụng.
Riêng trường hợp trẻ dưới 15 tuổi, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ không được phép rút tiền mặt từ thẻ phụ này mà chỉ được dùng thẻ để thanh toán cho một số giao dịch đã có thỏa thuận trước bằng văn bản của chủ thẻ chính và tổ chức phát hành.
Quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, người đủ 18 tuổi trở lên có thể sử dụng đầy đủ cả thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và trả trước làm thẻ chính. Trong khi người từ 15 đến dưới 18 tuổi chỉ được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ (không thấu chi).
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp Vụ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc mở rộng đối tượng dùng thẻ cho trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, trẻ dưới 15 tuổi chỉ được sử dụng thẻ phụ (kèm với người đại diện pháp luật, thường là bố hoặc mẹ). Ngoài ra, trẻ sẽ không được dùng thẻ này để rút tiền mặt mà chỉ nhằm để thanh toán, ví dụ như tiền học (những khoản mà bố mẹ đã có thỏa thuận trước với ngân hàng hoặc nơi chấp nhận thanh toán thẻ).
Quy định mới về sử dụng thẻ ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8.
Tác giả bài viết: Thanh Thanh Lan