Giải trí

Tranh cãi gay gắt về sức ‘hủy hoại’ của nhạc sến

Nổ ra sự tranh cãi về sức “hủy hoại” của nhạc sến khi nó đang làm biến dạng bộ mặt nhạc Việt.

Bùng nổ show nhạc sến

Sau thành công của hai mùa “Solo cùng Bolero”, một phiên bản đặc biệt của chương trình này đã được lên sóng tối 16/5 là “Tình Bolero’.

“Tình Bolero” có sự tham gia của loạt những tên tuổi đang hoạt động trong showbiz như diễn viên Quý Bình, Minh Luân, Tấn Hoàng, người mẫu Đinh Phương Ánh, Hoa khôi Nam Em,


Quang Lê là ca sĩ được yêu thích của dòng nhạc sến

Các nghệ sĩ tham gia “Tình Bolero” cho biết họ tham gia chương trình không phải để chinh phục giải thưởng mà muốn đem tiếng lòng của mình để chia sẻ đến khán giả tình yêu với dòng nhạc Bolero.

Không khó để nhận thấy sức sống bền bỉ của dòng nhạc này, nhất là ở các tỉnh miền Tây. Bằng chứng là chỉ cần một show 'Solo cùng Bolero', đài truyền hình Vĩnh Long từ một đài tỉnh lẻ đã vươn lên thành một trong những kênh giải trí được lựa chọn hàng đầu ở khu vực phía Nam.

Nhận thấy sức hút lớn từ các show nhạc sến trên truyền hình, một đơn vị khác cũng nhảy vào sản xuất show dạng này. “Thần tượng Bolero” là chương trình nhạc sến đầu tiên được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV, một kênh sóng mà không nhiều người tưởng tượng sẽ “mở lòng” cho dòng nhạc này.

“Thần tượng Bolero” mùa đầu tiên đã đi đến hồi kết khi còn một đêm cuối cùng vào 20/5. “Solo cùng Bolero” đã đi qua hai mùa thành công. Tuy nhiên, những tranh cãi chưa bao giờ dứt về dòng nhạc này.

Sức “hủy hoại” của dòng nhạc sến

Không ít ý kiến cho rằng việc bùng nổ các show nhạc Bolero hay trào lưu các ca sĩ trẻ đua nhau hát Bolero chỉ là trò làm màu, lười sáng tạo, chộp giật.

Thậm chí có ý kiến nặng nề cho rằng chính sự nhầm lẫn cho rằng việc thưởng thức Bolero hay tôn vinh những giá trị xưa cũ của dòng nhạc này là đẳng cấp văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật là một sự lệch lạc đáng báo động.


Sự bùng nổ các show nhạc sến trên truyền hình cũng như trong đời sống âm nhạc thực tế đã khiến nhiều ý kiến quan ngại về bộ mặt nhạc Việt sẽ về đâu?

Ý kiến trên đã từng được rất nhiều nhạc sĩ gạo cội ủng hộ. Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói: “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường”. Anh đặt câu hỏi: "Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?".

Chỉ cần thử đếm những banner quảng cáo chương trình ca nhạc ngoài đường phố, người ta dễ dàng biết được có bao nhiêu cái mới và bao nhiêu cái cũ.

Trước sự xâm lấn ngày càng mạnh của dòng nhạc xưa, nhạc sến, nhạc sĩ Dương Thụ từng thốt lên: “Cách thức quảng bá trong đời sống âm nhạc hiện nay do sự chi phối của thương mại nó đã bị lu mờ trước làn sóng âm nhạc thị trường, nhạc xưa do các ông bầu kinh doanh khởi xướng. Làm gì để cải thiện tình hình này là một câu hỏi rất lớn”.

Phớt lờ những lo lắng trên của giới làm nhạc đương thời, nhà sản xuất chương trình “Tình Bolero” tuyên bố: “Chúng tôi muốn thực hiện một chương trình về âm nhạc có thể xóa mờ ranh giới quan niệm sang và sến vốn tranh cãi lâu nay. Qua chương trình Tình Bolero, chúng tôi muốn giúp khán giả có cái nhìn trân trọng hơn với dòng nhạc Bolero. Không có sang hay sến trong nghệ thuật, chỉ có nghệ thuật đẹp hay không đẹp, thuyết phục hay không thuyết phục”.

Cuộc tranh cãi sang, sến chắc còn lâu mới có hồi kết. Nhưng hậu quả nhãn tiền là nhạc Việt sẽ ngày càng héo mòn trước sự bùng nổ của các show nhạc sến. Âu cũng là bức tranh buồn cho nhạc Việt.

Tác giả bài viết: Việt Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP