"Theo tôi được biết, đến nay hơn 40 quốc gia đã ra tuyên bố hoặc bày tỏ quan điểm của họ qua nhiều phương tiện. Ngày càng nhiều nước đã thể hiện sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ngày 20/5.
Bà Hoa còn ngang ngược tuyên bố rằng, bất kỳ quốc gia nào "không thiên vị" đều sẽ ủng hộ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này cho biết, họ đã nhận được sự ủng hộ từ các nước như Burundi, Slovenia, Niger, Mozambique... Từ khi Philippines tuyên bố khởi kiện năm 2013, Trung Quốc đến nay khăng khăng không tham gia quá trình phân xử, đồng thời khẳng định mọi tranh chấp đều chỉ giải quyết qua các cuộc hội đàm song phương.
Từ đầu năm 2016, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao toàn cầu nhằm đạt được sự ủng hộ của các nước trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông thời gian tới.
Ngày 28/4, ngay giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) - Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cảnh báo việc ASEAN đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vụ kiện sẽ là "một động thái mạo hiểm" và Bắc Kinh sẽ phản đối.
Ông Lưu đồng thời khẳng định lập trường của Trung Quốc là không chấp nhận phán quyết của toà trọng tài và gọi đây là một "động thái nhằm chống lại Bắc Kinh".
Trước đó, ngày 23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo đạt thỏa thuận riêng với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, đồng thời nói tranh chấp không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Giới quan sát nhận định động thái này nhằm tìm cách chia rẽ ASEAN, khi Trung Quốc lo ngại việc ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung liên quan đến phán quyết của tòa án về vụ kiện Philippines, mà dự đoán là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Tác giả bài viết: Minh Anh