Trong nước

TPHCM sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân qua Facebook?

Nhằm tạo nhiều tiện ích cho người dân, đa dạng các phương thức phản ánh thông tin, Sở Thông tin - Truyền thông đề xuất UBND TPHCM tiếp nhận thông tin phản ánh từ mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022.

Sở Thông tin - Truyền thông vừa đề xuất UBND TP đồng ý cho mở rộng kênh tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội cho hệ thống 1022. Đồng thời, giao sở chủ trì xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin đối với kênh tiếp nhận thông tin qua fanpage 1022.

Cụ thể, nhằm tạo nhiều tiện ích cho người dân, đa dạng các phương thức phản ánh thông tin, sở mở rộng thêm kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022 (https://www.facebook.com/1022tphcm/).

Hiện tại, hệ thống 1022 có 5 kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân

Như vậy, nếu đề xuất trên được thông qua, ngoài 5 kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật như trước đây (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email, truy cập cổng thông tin, sử dụng phần mềm ứng dụng di động) thì hệ thống 1022 còn có thêm kênh tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội Facebook.

Theo Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM, người dân có thể sử dụng tài khoản Facebook của cá nhân để kết nối với fanpage của hệ thống 1022. Người dân được truy cập thông tin và cung cấp thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật xảy ra trên địa bàn thành phố trên fanpage này.

Thông tin phản ánh sẽ được sàn lọc và nhập vào hệ thống, xử lý như các kênh tiếp nhận khác. Kết quả xử lý sẽ được cập nhật lên fanpage để mọi người theo dõi.

Sở Thông tin - Truyền thông muốn tích hợp phần mềm đường dây nóng của UBND TP với phần mềm hệ thống 1022

Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông cũng kiến nghị UBND TP giao sở chủ trì và phối hợp với Văn phòng UBND TP tích hợp phần mềm đường dây nóng của lãnh đạo thành phố (0888.247.247) và phần mềm hệ thống tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022, trong đó đảm bảo phần mềm phân công quy trình xử lý giữa các đơn vị không thay đổi.

Đồng thời, cho phép mở rộng hệ thống 1022 tiếp nhận thông tin lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị; tích hợp dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera của Trung tâm đường hầm sông Sài Gòn và hệ thống camera của các quận/huyện (nếu có) vào hệ thống 1022. Trong đó, có quy chế phối hợp xử lý thông tin và khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật thuộc hệ thống 1022 nhằm thống nhất về quy trình xử lý cũng như quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các đơn vị khi tham gia hệ thống.

Hệ thống 1022 tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn thành phố gồm 6 lĩnh vực:

1. Hạ tầng giao thông: Hệ thống tiếp nhận các sự cố về sụt lún mặt đường; hố “tử thần”; hư hỏng mặt đường; ổ gà ổ voi; hư hỏng hoặc mất biển báo giao thông…

2. Cấp và thoát nước: Hệ thống tiếp nhận các trường hợp bể ống cấp nước; nước tràn ra mặt đường; các trường hợp ngập nước; hệ thống thoát nước bị nghẹt; cống bể; mất nắp cống; nắp cống gập ghềnh, sụp cống; nắp hố ga hư hỏng…

3. Chiếu sáng: Hệ thống tiếp nhận các sự cố về gãy/đổ cột đèn chiếu sáng; rò rỉ điện; đèn không sáng; đèn sáng ngày, tắt đêm; đèn sáng, tắt liên tục; mất đèn chiếu sáng…

4. Cây xanh: Hệ thống tiếp nhận các trường hợp cây bật góc ngã; cành nhánh gãy; cây bị chặt phá; cây rỗng mục chết khô; cây bị xe đụng ngã; cây nghiêng bật gốc …

5. Điện lực, viễn thông: Hệ thống tiếp nhận các sự cố gãy đổ cột điện; đứt cáp viễn thông, cáp điện; cáp viễn thông, cáp điện trùng, võng gần sát mặt đường; cáp treo không đúng độ cao quy định; tủ cáp viễn thông ngã/đổ/nghiêng, sụp/lún hầm cống cáp; nắp hầm cáp gập ghềnh…


6. Giao thông công cộng: Phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt…

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP