|
Điển hình đường 30-4 (phường Hưng Lợi) có vỉa hè rộng 5 m; đường 3-2, Nguyễn Văn Cừ (phường Xuân Khánh) có vỉa hè rộng 2,5 m; tuyến đường từ cầu Đầu Sấu đến cầu Cái Răng (phường An Bình),… nhưng hầu hết bị lấn chiếm để buôn bán nhỏ lẻ. Những người lấn chiếm bán đa dạng các loại hàng như nước uống, món ăn vặt trên những xe tự chế hoặc là mở những quán cóc ven đường. Đặc biệt, trên tuyến đường từ cầu Đầu Sấu đến cầu Cái Răng có nhiều xe nước giải khát, xe hủ tiếu xuất hiện. Nhiều người đi xe máy tiện đường tấp vào mua khiến con đường vốn đã chật hẹp càng bị ùn tắc cục bộ. Những chủ quán hàng rong này vừa bán vừa trông chừng lực lượng chức năng.
Theo UBND quận Ninh Kiều, hiện trên địa bàn có 37 tuyến đường được phép sử dụng tạm một phần lòng lề đường, vỉa hè để đậu xe. Và hiện nay quận đã đề xuất bổ sung các tuyến đường được sử dụng lòng lề đường, vỉa hè là 90 tuyến, giảm 11 tuyến so với kế hoạch ban đầu.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, năm 2018 và đầu năm 2019, quận đã tổ chức hơn 4.000 cuộc ra quân tuần tra. Cụ thể, lực lượng chức năng buộc tháo dỡ bục, bệ và mái che 285 trường hợp, nhắc nhở 6.670 trường hợp và xử phạt hành chính tổng số tiền hơn 747 triệu đồng.
Song sau những đợt cao điểm ra quân tuần tra, xử phạt vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì tình hình tương đối ổn định. Nhưng rồi tình trạng này lại nhanh chóng tái diễn.
Ông Phạm Văn Đức, Phó phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: Phòng đã phối hợp, chỉ đạo các phường thường xuyên mở những cuộc ra quân tuần tra, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
“Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, tạo vẻ mỹ quan cho đô thị là ý thức của người dân chưa cao nên việc tự giác chấp hành các quy định về trật tự kỷ cương đô thị cũng chưa tốt” - ông Đức nói.
Mặt khác, việc áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn vì phần lớn họ thuộc diện hộ nghèo hoặc từ nơi khác đến để mưu sinh.
Đồng thời, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, một số tuyến đường vỉa hè nhỏ rất khó quản lý; sự phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành và địa phương trong việc quản lý, đảm bảo trật tự đô thị.
Theo ông Đức, cuối tháng 3-2019, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương mở các cuộc ra quân cao điểm nhằm phục vụ lễ 30-4, 1-5 và giỗ tổ Hùng Vương với nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định về việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đối với người dân, hộ kinh doanh.
Tác giả: CẨM GIANG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM