Xã hội

Tọa đàm về chủ quyền biển - đảo Việt Nam

Sáng 3/6, UBND tỉnh tổ chức Tọa đàm về "Chủ đề biển và hải đảo hưởng ứng ngày đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2016" tại thị xã Cửa Lò.

Tham dự tọa đàm có tiến sỹ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới - Chính phủ; Bùi Sỹ Hoa - Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại - Bộ Thông tin - Truyền thông.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh Ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo thị xã Cửa Lò và đại diện các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã cùng đông đảo nhân dân.

images1292491 hoithao3
Các đại biểu tham dự tọa đàm
images1292488 hoithao1
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh Ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được tìm hiểu rõ hơn về các tranh chấp trong Biển Đông và phương thức giải quyết gồm: tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước của Liên hợp quốc vầ Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn.

Sau khi đưa ra những bằng chứng pháp lý và lịch sử, tiến sỹ Trần Công Trục khẳng định quan điểm pháp lý của Việt nam là: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.

images1292489 phatbieu2
Tiến sỹ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới - Chính phủ phát biểu

Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đều là những vẫn đề mang tính toàn cục. Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
images1292492 hoithao4
Học sinh chăm chú lắng nghe về biển đảo quê hương

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp vào thời điểm cận kề Hội đồng Trọng tài La Haye đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines như: các nước Đông Nam Á cần có tiếng nói chung để ngăn chặn “con bạch tuộc” khổng lồ tiến sâu vào những vùng biển thuộc chủ quyền; tuyên truyền về quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông tới thế giới; cần triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực cụ thể hơn; Nhà nước cần tạo điều kiện cho giới Luật gia và Luật sư Việt Nam tham gia đấu tranh trên mặt trận pháp lý hết sức phức tạp này.

Đồng thời, một số nội dung liên quan đến biển và hải đảo Việt Nam đã được các đại biểu trao đổi như: những thách thức đặt ra cho biển đảo trong tình hình mới; kêu gọi người dân chung sức để bảo vệ đại dương như: Ra quân làm sạch bãi biển và các khu sinh thái biển; tổ chức các phong trào văn hóa – xã hội làm thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường; xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại các bãi ngang và hải đảo có nhiều khó khăn.

Tác giả bài viết: Minh Quý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP