Ông Mạnh cho hay, qua nhiều buổi đối thoại của huyện, tỉnh với dân do ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo, đã rút ra được 2 nội dung quan trọng là: Đồng ý di dời các hộ dân trong phạm vi 300 mét đối với bãi rác Lộc Thủy và đưa công nghệ tiên tiến vào bãi rác để khỏi ô nhiễm môi trường.
Người dân thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy vây trước bãi rác để chặn các xe rác không cho vào |
Đối với việc di dời phạm vi 300 mét, có tất cả 22 hộ dân nhưng qua thực tế có một số hộ ở tách rời trên núi cũng nằm trong phạm vi trên nên tổng số sẽ có 30 hộ di dời. Kinh phí di dời lần 1 đối với 30 hộ này từ việc đền bù đất ở, nhà cửa sẽ là 19 tỷ đồng. Lần 2 sẽ bổ sung kinh phí thêm 7 tỷ để đến bù hoa màu, cây cối trên đất, đất nông nghiệp…
Đặc biệt, huyện và tỉnh sẽ vận dụng một số cơ chế đặc thù cho bà con như đất đổi đất (bà con ở gần bãi rác sẽ được đền bù đất ở khu tái định cư Lộc Thủy sát Quốc lộ 1A có giá trị đất gấp đôi); đền bù hết cây cối trên đất; đền tất cả nhà và đất nông nghiệp của bà con nhưng người dân có thể về thuê lại đất nông nghiệp ở chỗ cũ để canh tác với giá 0 đồng.
“Qua buổi đối thoại gần đây nhất vào chiều 17/5 có 29/30 hộ tham gia. Huyện đã ghi nhận được 11 ý kiến người dân và tất cả đều đồng tình. Một số hộ dân có đề nghị bổ sung thêm việc đền bù một vài tài sản trên đất như vườn cây, ao cá, giếng nước, mái ngói… Chúng tôi rất vui mừng vì thấy bà con đều phấn khởi trước việc này, các giải pháp đã tạo được sự yên tâm cho người dân” – ông Mạnh trao đổi.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (bên phải) làm việc với báo chí về giải pháp "cứu nguy" cho bãi rác Lộc Thủy |
Trong tuần này, các cơ chế thủ tục ban hành việc đền bù sẽ xong. Trên cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản đồng ý, huyện Phú Lộc sẽ tiến hành làm ngay việc đền bù, song song với đó huyện sẽ xin bà con cho xe chở rác vào bãi rác để tránh ô nhiễm cộng dồn từ những đống rác đang ùn ứ phía ngoài bãi rác.
Trước tiên, khi nhà máy rác đưa vào vận hành lại sẽ có đặt máy quan trắc và công khai giá trị quan trắc cho người dân giám sát và theo dõi. Nếu trong khoảng cách 400 đến 500 mét mà việc ô nhiễm từ bãi rác Lộc Thủy vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến bà con thì chính quyền sẽ tiếp tục thực hiện đền bù cho bà con như 30 hộ trong phạm vi 300 mét nói trên.
Ông Mạnh cũng nhấn mạnh là từ rất nhiều việc làm của chính quyền thì Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế - đơn vị quản lý bãi rác Lộc Thủy phải có trách nhiệm thực hiện, áp dụng nhanh các công nghệ tiên tiến vào bãi rác Lộc Thủy, có thể sẽ phải tiến hành công nghệ đốt rác nhằm giảm ô nhiễm môi trường tối đa cho khu vực này.
Người dân thức đêm chặn xe vào bãi rác Lộc Thủy |
Như Dân trí phản ánh, từ cuối tháng 2/2017 đến nay, hàng trăm người dân thôn Nam Phước đã ngày đêm túc trực, canh không cho các xe chở rác vào đổ rác tại bãi rác Lộc Thủy trên địa bàn thôn. Nguyên nhân là bãi rác Lộc Thủy thời gian gần đây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay khắp nơi. Những ngày mưa thì nước thải bẩn, rò rỉ ra các cánh đồng ruộng gần đó làm chết hoa màu; lượng xe ben chở rác chạy cả ngày lẫn đêm đến vài chục chiếc/ngày khiến rác rơi vãi đầy đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Khu xử lý rác đã ngừng hoạt động gần 3 tháng. |
Tác giả: Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí