Tác giả bài viết: Võ Văn Dần
Nào là bắn bi, kéo co, đánh căng, trốn tìm. Nào là nhảy dây, đẩy gậy, đi cà kheo… Tất cả các trò chơi dân gian ấy như có sức cuốn hút lạ thường và khó quên. Trẻ thơ ở các làng quê ngày ấy sau những giờ học, sau những buổi lao động phụ giúp gia đình chỉ biết tìm đến các trò chơi mộc mạc, dân dã như thế để trở về đúng tâm hồn mình.
Thuở xưa, không có sân chơi, bãi tập sạch sẽ, tiện nghi như bây giờ. Trẻ em ở làng quê có thể chơi ở bất cứ nơi đâu, từ cái sân đất trước thềm nhà, hay bờ tre đầu xóm, trên đồng ruộng hoặc trên các con đập, triền đê…
Chơi nhảy dây (ảnh: Hai Miệt Vườn)
Còn nhớ hòn bi trong trò chơi bắn bi là những trái vú sữa khô tròn đi nhặt ở sân nhà hàng xóm hoặc những viên bi xe bò kéo đã bị người ta vất bỏ. Trốn tìm ở bụi chuối sau hè hoặc nơi những luống bắp xanh ngát, bạt ngàn xa thẳm. Đi cà kheo trên những thân cây sắn cao to, cứng cáp. Bước đi trên cây cà kheo như thấy mình bỗng cao hơn, lớn hơn và được thỏa thích ngắm nhìn vườn tược, mây trời.
Trò chơi kéo co trong dân gian xưa, nay đã có mặt trong nhà trường. (ảnh: VVD)
Ngày ấy, mấy đứa con trai cũng rất thích và chơi nhảy dây chung với con gái. Dây là những sợi dây chuối khô được nối lại rất chắc chắn hoặc thân cây thù địch được rút từ bụi rậm sau vườn rồi đem hông khói cho dẻo. Chiều chiều, trên cánh đồng quê bạt ngàn, gió thổi vi vu, trẻ em từ khắp các xóm ùa ra thả diều. Cánh diều là những mảnh giấy loại được ghép lại một cách tỉ mỉ, công phu. Chính những cánh diều năm xưa đã mang bao ước mơ và “nuôi dưỡng” tâm hồn của biết bao tuổi thơ lớn khôn từng ngày.
Môn vật truyền thống. (ảnh: VVD)
Thời học cấp một (bậc tiểu học bây giờ), chúng tôi còn nhớ như in giờ ra chơi, các thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm tổ chức cho các tổ hoặc phối hợp các lớp chơi trò chơi dân gian như kéo co, đi cà kheo, đánh căng… “Ai khéo tay sẽ được thưởng”, phần thưởng là những tràn vỗ tay giòn như pháo nổ hoặc những trái đào, trái ổi… của chính các thầy cô chủ nhiệm hái từ vườn nhà đem đến. Đội thắng cũng chia ổi cho đội thua cùng ăn và tất cả đều rất hào hứng và vui sướng lắm!
Ngày ấy, mỗi cô cậu học trò ở trường làng đều ao ước và nhận thức rõ rằng từng ngày đến trường là từng ngày vui sướng, từng ngày mong đợi!
Sân trường ngày ấy hầu hết đều là sân đất nên rất thuận tiện cho thầy trò tổ chức các trò chơi dân gian như chơi đánh khăng. Bộ căng được học sinh chuẩn bị sẵn ở nhà chủ yếu được làm từ thân cây vông vì gỗ vông nhẹ nên khi đánh bay được xa, hơn nữa nếu trúng phải ai thì cũng không gây ra thương tích. Chơi đánh khăng thật đơn giản: Đào một lỗ dài bằng gang tay, sâu khoảng 10 cm, đầu này đánh, phía đầu kia thầy giáo đứng để xác định điểm rơi của khăng là bao xa cho chính xác. Chơi xong lấp đất trả lại nguyên trạng cho sân trường, vào lớp đứa nào cũng vui vẻ và rất “khí thế” để tiếp thu bài vở…