Kinh tế

Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam

Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam tăng 5% so với cùng kỳ, đạt hơn 92,2 tỉ baht (gần 68.000 tỉ đồng).

Chủ tịch cấp cao Dhanin Chearavanont, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Charoen Pokphand - Ảnh: CP

Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho thấy thị trường Việt Nam đang đóng góp khá lớn trong cơ cấu doanh thu hợp nhất của họ.

Thậm chí, doanh thu 9 tháng đầu năm thị trường Thái Lan suy giảm 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 167 tỉ baht, thì tại Việt Nam lại tăng 5%.

Theo đó, C.P. tại Việt Nam mang về khoảng 92,21 tỉ baht (tương đương gần 68.000 tỉ đồng) trong 9 tháng năm nay.

Cơ cấu doanh số chia theo sản phẩm cho thấy chăn nuôi là mảng chính của C.P. ở thị trường Việt Nam khi đóng góp hơn 62,3 tỉ baht, tương đương khoảng 46.000 tỉ đồng và tăng 12%, còn mảng thực phẩm mang về hơn 4.600 tỉ đồng, tăng 8%.

Tuy nhiên tính riêng quý 3 năm nay - trùng thời điểm Việt Nam đón siêu bão, doanh thu tại Việt Nam của đại gia chăn nuôi Thái Lan này lại giảm 3% so với cùng kỳ, còn gần 28,63 tỉ baht, tương đương gần 21.200 tỉ đồng.

Cũng trong quý này, doanh thu của C.P. tại thị trường Trung Quốc còn sụt tới 34% so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ website, Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, sau khi Việt Nam mở cửa năm 1986 theo chủ trương đổi mới, với hình thức mở văn phòng đại diện tại TP.HCM.

Năm 1993 thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2009, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam thành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông - công nghiệp và chế biến thực phẩm khép kín, chủ yếu trên các đối tượng vật nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Sau hơn 30 năm đầu tư vào Việt Nam, doanh thu của C.P. đang nổi trội hơn so với nhiều doanh nghiệp nội trong lĩnh vực chăn nuôi.

Như "trùm" chăn nuôi miền Bắc - Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) - doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 9.962 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, còn báo lãi ròng hơn 312 tỉ đồng, gấp 26 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm nay, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) ghi nhận 4.193 tỉ đồng mục doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn. Lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỉ đồng, tức tăng trưởng 21%.

HAGL do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch lâu nay tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, với các sản phẩm chủ đạo như nuôi heo, trồng chuối, sầu riêng...

Hay như PAN Group (PAN) - tập đoàn nông nghiệp, thực phẩm hàng đầu Việt Nam do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT - ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 12.349 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 720 tỉ đồng, tăng 57%.

Tác giả: Bình Khánh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP