Tin địa phương

Tiếp sức ngư dân Đà Nẵng

Trở lại cảng đóng tàu, giữa không gian ồn ào của máy hàn, máy cắt, trong tôi vang vọng âm thanh của sóng nước biển khơi. Trên những con tàu đang được đóng mới, giọt mồ hôi người thợ đã rơi cùng buồn vui của đời ngư dân mặn mòi vị biển. Những người thợ đang dồn tâm sức hoàn thiện những con tàu, giúp ngư dân thêm vững vàng vươn khơi, bám biển.

Ông Võ Mãn, người có thâm niên trong nghề đóng tàu tại Đà Nẵng.

Thanh âm trên cảng đóng tàu

Những ngày này, tại Đà Nẵng, câu chuyện về tàu cá vỏ thép và tàu gỗ đang được nhắc đến với nhiều chuyến ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mang lại lợi nhuận cao. Giữa những thanh âm chát chúa ở xưởng, không khó để nhận ra ánh mắt vui tươi với nụ cười đầy tự tin của ngư dân Đà Nẵng khi chạm tay vào thân tàu đang dần hoàn thiện. Họ hiểu và càng thêm cảm phục tinh thần, sự bền bỉ của hàng trăm người thợ đóng tàu ngày đêm miệt mài công việc.

Ở khu vực đóng tàu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, nhiều đơn vị đóng, sửa chữa tàu cho ngư dân đang vào mùa tăng tốc, bởi lúc này, thời tiết thuận lợi để hoàn thiện tàu. Theo kinh nghiệm của ngư dân, tàu ở trên bờ có chống chịu được thời tiết nắng nóng khắc nghiệt thì khi hạ thủy mới bảo đảm được an toàn.

Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật biển S.TECH Hồ Văn Tý cho biết, “đóng mới con tàu, ngoài đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ mộc tay nghề cao, còn phải biết kết hợp kinh nghiệm thực tiễn trên biển của ngư dân với các kỹ thuật đóng tàu. Phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình lắp ráp thiết bị, máy móc trên tàu. Đối với tàu gỗ, nguồn nguyên liệu cần đủ sức chống chịu được thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển. Để có được một con tàu bảo đảm an toàn, chất lượng, phải chú ý tới những chi tiết nhỏ nhất, từ cái ốc vít”.

Trên khu vực đóng và sửa tàu, trong cái nắng gay gắt, hàng trăm công nhân vẫn hăng say làm việc. Tiếng gọi nhau í ới , tiếng hò dô của nhóm thợ cùng kéo gỗ về vị trí tập kết cùng tiếng cưa, xẻ gỗ, đóng ốc vít, bu-lông... đã tạo nên không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương, quên cả thời gian, mệt nhọc. Mồ hôi đẫm lưng áo, nắng nhuộm đen da, nhưng đôi tay những người thợ vẫn thoăn thoắt.

Thi thoảng, có người pha trò khiến cả nhóm thợ bật cười, quên đi vất vả. Ông Võ Mãn, thợ mộc gần 70 tuổi, đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đóng tàu đang nẩy mực xẻ gỗ để đóng ca-bin tàu. Ông Mãn không nhớ rõ mình đã đóng bao nhiêu ca-bin tàu cá, dù thuộc từng thớ gỗ như thuộc con đường dài hàng chục cây số từ nhà ông ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đến Đà Nẵng làm việc mỗi ngày. Ông trải lòng: Dù công việc đóng tàu vất vả, nhưng bù lại thu nhập ổn định. Bởi yêu nghề cho nên tôi sẽ gắn bó đến chừng nào không đủ sức khỏe mới nghỉ. Tôi rất vui vì được đóng góp một phần công sức của mình làm nên những con tàu lớn cho ngư dân vươn khơi.

Cùng nhóm anh em bạn thợ từ làng mộc Kim Bồng (Hội An) ra Đà Nẵng đóng tàu gần 15 năm qua, anh Lữ Văn Bé chia sẻ: "Nghề đóng tàu cực nhọc, nhưng đã trót yêu thì gắn bó. Để hoàn thiện một con tàu mất khoảng 500 công thợ. Chỉ đến khi con tàu chạm sóng, ổn định mọi yếu tố kỹ thuật, đủ điều kiện vươn khơi thì chúng tôi mới thở phào”.

Ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ.

Tự tin vươn khơi, bám biển

Trước niềm vui khi gia đình sắp có thêm một tàu gỗ công suất lớn vươn khơi, bám biển, thuyền trưởng - chủ tàu Nguyễn Cu (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không giấu được cảm xúc nói: “Nhà mình đổ vào đây hơn bảy tỷ đồng, trong đó có vay ngân hàng, bạn bè. Có thêm tàu là có thêm động lực để tiếp tục vươn khơi. Nhà đã có ba con tàu, bây giờ thêm tàu gỗ này nữa. Vui nhất là tàu được đóng đúng thời gian, hạ thủy và vươn khơi kịp thời vụ”.

Tàu của gia đình ông Nguyễn Cu là một trong hàng chục tàu của ngư dân Đà Nẵng nhận được nguồn hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu từ Quyết định 47/2014/QĐ của UBND thành phố Đà Nẵng. “Từ hôm bắt đầu tập kết gỗ và các nguyên, vật liệu đóng tàu về cảng, cả ngày tôi ăn ngủ cùng với anh em thợ. Tất cả tâm huyết và tài sản đổ vào đó, chỗ nào chưa ưng ý thì mình nói anh em bạn thợ sửa ngay. Đi biển cần có tàu thân vỏ vững chắc, máy đủ công suất, bảo quản thực phẩm tốt, sản lượng khai thác cao, có lợi nhuận thì mới tuyển được lao động trên biển. Phải tạo dựng được niềm tin cho công nhân, để họ cùng đồng cam cộng khổ với mình, gắn bó, san sẻ khi tàu gặp khó hoặc cùng dồn sức để vươn khơi bám biển”, ngư dân Nguyễn Cu chia sẻ thêm.

Đón tôi trở lại cảng đóng tàu vào ngày hạ thủy tàu hành nghề lưới vây ĐNa 90969 TS, chủ tàu - thuyền trưởng Nguyễn Thân (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) rất phấn khởi. Con tàu mới dài 21,5 m, rộng 6,3 m, cao 3,3 m với công suất hơn 910 CV, tổng trị giá đầu tư hơn bảy tỷ đồng bao gồm cả ngư cụ. Ông Thân nói: "Tàu được trang bị khá hiện đại, nhưng chúng tôi vẫn mong Nhà nước hỗ trợ lắp thiết bị năng lượng mặt trời. Khi đi biển, trước sóng to gió lớn, nếu gặp sự cố, nhờ thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, ngư dân có thể cấp báo về đất liền”.

Một trong những tàu vỏ thép tại Đà Nẵng được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ đánh bắt, khai thác hiệu quả là tàu của thuyền trưởng Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Tháng 3-2016, ông Mười hạ thủy tàu vỏ thép ĐNa 90777-TS trị giá hơn 17 tỷ đồng, làm nghề chụp mực. Dù hạ thủy trong khoảng thời gian khó khăn nhất vì sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung nhưng đến nay, tàu đã ra khơi hơn 20 chuyến biển, thu lãi hơn hai tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đúng hạn.

“Tôi mong sao các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố đến được với thật nhiều ngư dân. Nhà nước nên làm mạnh, phổ biến mạnh để Nghị định 67 đến với ngư dân. Mỗi địa phương không chỉ có vài chục chiếc mà có thể hàng chục, hàng trăm tàu vỏ thép để bảo đảm giữ vững, khai thác tốt ngư trường của mình”, ngư dân Trần Văn Mười chia sẻ.

Mỗi một con tàu mới hạ thủy vươn khơi, ngư dân thêm điều kiện giữ nghề, bám biển. Với họ, sóng cả không ngã tay chèo, nhưng cũng không thể tránh khỏi sự phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhìn những con tàu gỗ đang được phun những lớp sơn cuối cùng trước khi nối đuôi nhau vươn khơi, tôi chợt nghĩ về nỗi nhọc nhằn của bao người thợ giữa nắng gió miền trung. Những con tàu đã và đang chuẩn bị rời cảng Đà Nẵng một sớm mai này, sẽ mang trong mình niềm tin và bao giọt mồ hôi của những người thợ, góp phần giúp ngư dân giữ gìn nghề biển truyền thống, bám trụ ngư trường.

Theo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, Đà Nẵng có tám tàu được phê duyệt đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; có 317 tàu được hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và 5.418 thuyền viên được hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, với tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 47/2014/QĐ của UBND thành phố Đà Nẵng về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức cá nhân, tính từ đầu năm 2017 đến nay, Đà Nẵng đã có 34 tàu đăng ký đóng mới; có bốn tàu hoàn thành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm đi vào hoạt động; 14 tàu đang đóng mới; 16 tàu đã hoàn thành thủ tục và chuẩn bị đóng mới.

Tác giả: Nguyễn Thị Anh Đào

Nguồn tin: nhandan.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP