Thương lái đang tranh giành nhau để thu mua nông sản, giá các loại rau tại vùng rau Lâm Đồng “nhảy múa” từng ngày.
Mất trắng cả tỷ đồng
Bì bõm lội qua vùng nước đang chảy xiết, ông Nguyễn Văn Doanh (52 tuổi), ngụ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương đưa chúng tôi ra thăm trang trại rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rộng 2 ha của gia đình. Ông Doanh chua chát nói: “Thế này thì mất trắng cả rồi, rau ngập úng chìm sâu dưới nước, có chỗ tới 1,5 m thì chỉ có mức để thối nhổ ủ làm phân thôi. Trắng tay rồi, nợ vay ngân hàng đầu tư sản xuất còn chưa trả xong nay lại gặp nạn!...”.
Mất trắng cả tỷ đồng
Bì bõm lội qua vùng nước đang chảy xiết, ông Nguyễn Văn Doanh (52 tuổi), ngụ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương đưa chúng tôi ra thăm trang trại rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rộng 2 ha của gia đình. Ông Doanh chua chát nói: “Thế này thì mất trắng cả rồi, rau ngập úng chìm sâu dưới nước, có chỗ tới 1,5 m thì chỉ có mức để thối nhổ ủ làm phân thôi. Trắng tay rồi, nợ vay ngân hàng đầu tư sản xuất còn chưa trả xong nay lại gặp nạn!...”.
Ông Nguyễn Văn Doanh mếu máo trong vườn rau công nghệ cao chìm trong nước lũ. Ảnh: Thạch Thảo.
Trang trại sản xuất rau sạch của vợ chồng ông Doanh gồm các loại cải thảo, bắp cải, ớt chuông... được trồng phần lớn trong nhà lưới. Hầu hết rau củ đang vào thời kỳ cho thu hoạch. Hiện tại, giá mỗi cây bắp cải thu mua tại vườn thấp nhất là 10.000 đồng. Với giá này, ông Doanh nhẩm tính sơ sơ thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng trong trận lũ. Đó là chưa kể sau lũ lụt, muốn sản xuất bình thường trở lạ, gia đình phải tốn thêm chi phí xử lý trừ khử mầm bệnh xuất hiện mới trong đất.
Cách đó không xa, chị Nghiêm Thị Hoài (38 tuổi), ngụ thôn Dom Be, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương cũng đang bì bõm lội nước hái tận thu những trái cà chua trên ngọn chưa bị úng thối để nhập cho thương lái.
Hiện tại, cà chua tại huyện Đơn Dương có giá 16.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với thời điểm bình thường. Với 2.000 m2 cà chua, 8.000 m2 bắp sú và cải thảo bị nước lũ từ hồ thủy điện Đa Nhim xả xuống gây ngập úng, hư hỏng, đợt này, gia đình chị Hoài ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Chị Hoài mếu máo cho biết, vợ chồng chị tới vùng đất này định cư, lập nghiệp đã được 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên thấy lũ cuồn cuộn đổ về, ngập ruộng vườn, dâng vào nhà. “Chẳng kịp gom đồ đạc, vợ chồng ôm hai đứa con lội nước chạy lên vùng khô ráo gửi con. Tính quay về thu hoạch hoa màu nhưng không kịp, nước lên nhanh lắm, nhấn chìm nghỉm vườn rau”, chị Hoài kể lại.
Cả nghìn hecta hoa màu của vùng trồng rau Đơn Dương hư hỏng do thủy điện xả lũ. Ảnh: Thạch Thảo.
Ông Nguyễn Thanh Nhân (45 tuổi), ngụ thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương cũng đang rầu rĩ vì tưởng trúng giá lớn nhưng vụ này ông lại bị thất thu. Ngày 4/11, chỉ trong chốc lát, nước lũ từ hồ thủy điện Đa Nhim đổ về nhấn chìm 6.000 m2 bắp sú chỉ còn 10 ngày nữa là được thu hoạch. Tiếc của, ông Nhân dùng bè chèo ra giữa vườn rau lội xuống nhổ nhưng chỉ được vài chục gốc thì không “kham” thêm được nữa vì nước đã ngập quá sâu và lạnh. Ông Nhân ước tính thiệt hại của vườn sú này ít nhất cũng phải 150 triệu đồng.
Giá rau “nhảy múa”
Chỉ trong thời gian ngắn, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh trở vào tới Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt càn quét. Vùng trồng rau của các tỉnh miền này gần như mất trắng. Thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá các loại nông sản tăng mạnh trong thời gian qua.
Huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt là vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước. Mưa lớn kéo dài và liên tục trong vòng 2 tháng qua đã khiến cho hàng trăm hecta rau trồng ngoài trời bị hư hỏng, năng suất giảm tới 50%. Hàng nghìn hecta đất nông nghiệp không thể xuống giống vì mưa nhiều. Đặc biệt, trong lúc các loại rau đang lâm vào thời kỳ khan hiếm nhất trong nhiều năm qua, những ngày đầu tháng 11/2016 này, một số hồ thủy điện lớn tại Lâm Đồng như thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh đồng loạt xả lũ đang nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu của người dân.
Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy điện Đa Nhim xả lũ cho biết, ước tính khoảng 3.500 ha rau màu của người dân trong huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, 1.000 ha hoa màu đang vào thời kỳ được thu hoạch bị mất trắng. Hiện huyện Đơn Dương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể nhưng ước tính đợt xả lũ vừa qua của thủy điện Đa Nhim đã gây thiệt hại cho người dân trồng rau tại huyện Đơn Dương hàng chục tỷ đồng.
Hiện tất cả các loại rau tại Đà Lạt và huyện lân cận đang rất khan hiếm, giá tăng cao . Ảnh: Thạch Thảo
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một vựa rau lớn tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương nói thêm, trong những ngày qua, lượng đơn đặt hàng từ các đầu mối ở miền Trung và Sài Gòn tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường. Tuy nhiên, lượng rau thu mua tại địa phương chỉ bằng 2/3 so với trước đây nên không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này.
Theo bà Hòa, hiện nay vùng trồng rau của huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt đang rất khan hiếm. Hầu hết giá các loại rau đã tăng ít nhất gấp đôi so với thời điểm cách đây 3 tuần. Cá biệt, nhiều loại rau giá thu mua tại vườn tăng gấp 3 lần nhưng không còn hàng để bán. Hiện rất nhiều đầu mối thu mua nông sản tại Lâm Đồng buộc phải mua trước rau, nghĩa là đàm phán với nhà vườn mua cả rau vừa xuống giống được khoảng 10 ngày, đặt tiền trước nhờ họ chăm sóc rồi thu hoạch sau.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, tại chợ Đà Lạt, giá rau bán lẻ của các loại xà lách đã lên tới 40.000 đồng/kg. Các loại cà chua thông thường có giá 25.000-30.000 đồng/kg, cải ngọt 24.000 đồng/kg, bó xôi 40.000 đồng/kg, bông atiso tươi loại 1 có giá tới 170.000 đồng/kg, bắp sú 35.000 đồng/kg... cao gấp từ 2-3 lần so với thời điểm cách đây 2 tuần.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, nhiều vùng trồng rau của cả nước, trong đó có Lâm Đồng bị thiệt hại nặng nề, năng suất các loại nông sản giảm nghiêm trọng, trong thời gian tới giá rau sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao nhất trong năm.
Tác giả bài viết: Thạch Thảo
Nguồn tin: