Kinh tế

Thuyết buôn vua: 'Cha đẻ' buôn đồ sida ở Hà Nội

Thuyết “buôn vua” từng được biết đến là một tay buôn cự phách của đất Hà Nội vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông là một trong những người buôn bán quần áo sida sớm nhất miền Bắc và được coi là "ông vua" đồ hi-end.

Mang cả bao tải tiền đi mua hàng "sida"

Người đời biết đến Trần Văn Thuyết (SN 1960, tức Thuyết “buôn vua” hay Thuyết “chăn voi”) sau khi vụ án Năm Cam bị đưa ra ánh sáng. Vì những lần móc nối giúp “ông vua không ngai” của giới giang hồ “chạy” án, Thuyết “buôn vua” bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 20 năm tù.

Sau khi bị bắt, đời tư của Thuyết 'buôn vua' bắt đầu được đào xới. Thuyết từng là một cảnh sát trại giam của Bộ Công an nhưng vì dính vào một vụ bê bối nên bị cho ra khỏi ngành.

Sau đó, Thuyết chuyển sang buôn bán kinh doanh. Với đầu óc cực kỳ sắc bén và đặc biệt “nhạy cảm” với đồng tiền nên chỉ trong một thời gian ngắn, Thuyết phất lên như diều.

Thuyết “buôn vua” từng được biết đến là một thương nhân cự phách của đất Hà Nội.


Thuyết “buôn vua” buôn bán đủ mọi mặt hàng từ quần áo cũ cho đến đồ điện tử. Tuy nhiên, cơ nghiệp của Thuyết được gây dựng từ việc buôn quần áo si-da với số vốn chỉ 5 triệu đồng.

Thuyết từng kể với PV báo An ninh thế giới, những năm 1990, khi quần áo “sida” còn chưa được biết tới ở miền Bắc thì Thuyết đã “ngửi” thấy mùi tiền từ thị trường này. Thuyết bàn với vợ, bảo vợ cho mình 10 triệu đồng làm vốn. Tuy chỉ được vợ cấp cho 5 triệu đồng, Thuyết vẫn quyết tâm làm.

Tin rằng quyết định của mình là đúng đắn, Thuyết bắt đầu lên kế hoạch làm ăn bằng việc móc nối với các đầu mối chở hàng “sida” từ miền Nam ra ngoài Bắc. Ông mua mỗi lần cả toa tàu đồ cũ với giá rẻ như cho, rồi tự tay cẩn thận lựa ra những mẫu mã đẹp. Hớt hết đồ đẹp, Thuyết bán tháo lại những thứ mình loại ra. Có quần áo đẹp trong tay, Thuyết thuê giặt ủi hấp cho thơm tho, phẳng phiu. Xong đâu đấy, Thuyết cho người đóng vào các túi nylon bán ra thị trường. Mỗi cái áo sida giá chưa đến 50.000 đồng, bỏ thêm độ 10.000 đồng cho khâu giặt ủi, đóng gói, Thuyết treo giá 500.000 mà người mua cứ ào ào không có để bán.

Thuyết thắng đậm từ vụ quần áo cũ này. Tiền lãi nhiều đến mức, trong những năm ấy, Thuyết khoe toàn đem theo cả bao tải tiền vào TP. HCM thu gom hàng “sida” rồi chuyển bằng máy bay ra ngoài Bắc bán lại.

“Ông vua hi-end”

Có vốn làm ăn, khi thấy thị trường hàng "sida" có dấu hiệu bão hòa, nhiều người nhảy vào cạnh tranh, Thuyết chuyển luôn sang buôn bán đồ hi-end, tức là trang thiết bị âm thanh cực xịn chỉ dành cho những người mê âm thanh và dám chịu chơi.

Giờ đây ông Thuyết lại trở về với niềm đam mê kinh doanh hi-end.


Nguyên tắc làm ăn của Thuyết trong cuộc chơi âm thanh là không cần nhiều khách. Khách hàng thân thiết của Thuyết khắp cả nước chỉ khoảng 200 người. Mỗi năm, Thuyết đều cho tổ chức những buổi gặp mặt để giới thiệu các loại đồ chơi âm thanh mới của những hãng nổi tiếng nhất về hi-end trên thế giới. Giá tiền có sẵn trong catalogue, Thuyết bán đúng giá, đảm bảo cho khách hàng từ chuyện thiết kế cách đặt máy, vị trí ngồi nghe nhạc, phòng nghe nhạc…

Cái tài của Thuyết còn thể hiện ở chỗ vị đại gia này biết tạo ra những thiết bị “hi-end mà chẳng hi-end” mang bản sắc của mình. Vốn có đầu óc nhạy bén nên khi những cục loa sắt trong hệ thống loa phát thanh phường xã lên đời, Thuyết cho quân đi lùng mua, giá cao lắm từ 150.000 đến 200.0000 đồng một cái. Có được “nguyên liệu”, Thuyết thuê thợ mộc đóng những thùng gỗ xịn để biến những cục loa sắt đó thành những thùng âm thanh cực chuẩn và hay.

Mỗi cặp loa qua tay Thuyết “chế biến” được bán với giá 100 triệu đồng, gấp cả nghìn lần số vốn bỏ ra ban đầu mà ngày nào Thuyết cũng bán vài cặp. Chưa kể đến những dây track mà chỉ có Thuyết là có nguồn hàng được bán cho dân chơi nhạc với giá vài nghìn USD một cái. Rồi những đĩa hát, phần mềm... thứ nào cũng được Thuyết bán với giá tính bằng ngàn USD. Thuyết tự hào khi bản thân gần như là người đi tiên phong trong việc chơi đồ âm thanh ở Việt Nam.

Thuyết từng chia sẻ với báo giới, đồ âm thanh hi-end như một thứ ma túy của tâm hồn. Chơi đồ hi-end đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều, tuy nhiên không phải ai cứ có tiền cũng chơi được món này. Nếu như không có kiến thức mà chơi đồ này thì cũng như ném tiền qua cửa sổ.

Thuyết cho hay, có một người bỏ ra vài tỷ đồng để mua về một bộ trang thiết bị âm thanh xịn, xây hẳn một căn phòng đẹp để làm phòng nghe nhạc nhưng âm thanh không tài nào hay được. Họ phải bỏ ra cả ngàn đô để mời Thuyết từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh cố vấn giúp.

Theo lời Thuyết, mối quan hệ của ông ta với một số cán bộ cũng bắt nguồn từ âm thanh. Họ chơi với nhau vì cùng sở thích mê nhạc hơn là những chuyện quan hệ sinh lợi khác. Thuyết từng bán cặp loa cho một đại gia với cái giá 125.000 USD, một cái giá "khủng khiếp" lúc đó...

Trở thành đại gia từ âm thanh, Thuyết chuyển sang kinh doanh món hàng lạ khác. Đó là những chiếc xe được hóa giá theo niên hạn sử dụng của các đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội. Đây là một trong những nguồn thu nhập khổng lồ, đưa Thuyết lên vị trí đại gia của đại gia trong giới thượng lưu.

Giờ đây, sau thời gian cải tạo tốt, người đàn ông với biệt danh “buôn vua, bán chúa” một thời này đã được đặc xá sau 13 năm thụ án. Trở về với cuộc sống thường ngày, ông Thuyết dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình và tiếp tục với niềm đam mê kinh doanh hi-end bấy lâu đã bị gián đoạn.

Tác giả bài viết: Hạnh Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP