Trong nước

Thương lắm miền Trung ơi!

Cầu mong mưa đừng rơi nữa trên dải đất vốn đã chịu lắm tang thương này. Thương lắm miền Trung ơi!

Người dân đứng ven đường tiễn biệt các cán bộ chiến sỹ hy sinh trên đường vào tiếp cận hiện trường Rào Trăng 3 để cứu đồng bào bị mắc kẹt. Ảnh: Giang Huy

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung tiếp tục oằn mình chống chọi với thiên tai. Mẹ thiên nhiên chở lũ dồn dập đổ về khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng. Và cũng trên dọc chiều dài “chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước” ấy, máu đã rơi.

Giữa lễ viếng và truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trên đường vào tiếp cận hiện trường Rào Trăng 3 để cứu đồng bào mình bị mắc kẹt, tôi thấy những cụ già đầu tóc trắng như vành khăn họ đang mang trên đầu, đến đưa tiễn đứa con rứt ruột sinh ra.

Cũng có những đứa trẻ gọi tên cha chưa tròn chữ, những người vợ trẻ khản cổ gọi tên chồng… Họ khác nhau về tuổi tác, về vùng đất sinh ra, nhưng lại cùng chung nỗi đau mất người thân. Rào Trăng 3, cái tên gợi lên nỗi ám ảnh với biết bao nhiêu người, 13 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống, 17 người khác tử vong và mất tích chưa tìm thấy thi thể vì lụt, vì sạt lở.

Tôi sinh ra ở miền Trung, năm nào cũng chứng kiến những cái chết thương tâm mỗi mùa lũ lụt đến. Những đám tang vội vàng, đầy nước mắt, giữa mênh mông nước... luôn ám ảnh tôi.

Nhưng tác nghiệp trong những ngày qua, giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên dồn dập đổ về miền Trung, tôi vẫn thấy nghẹn đắng. Hình ảnh cuối cùng của tướng Man cùng đồng đội trong đoạn clip trước khi bị vùi giữa đống đổ nát, đôi dép rọ, bộ áo mưa đơn sơ, những nụ cười hiền hòa của các chiến sĩ giữa đêm tối ngồi hong áo ướt giá lạnh Rào Trăng... khiến tim tôi quặn lại.

Các anh đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích. Các anh là những tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo quả cảm, thực sự vì nước, vì dân. Chắc chắn, những hành động quên mình cứu dân của các anh là tấm gương sáng ngời, còn mãi với người dân và các thế hệ mai sau.

Và khi lễ truy điệu 13 liệt sĩ ở Huế còn chưa được tổ chức, thì tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị vùi lấp trong trận sạt lở đá giữa đêm. Thi thể của hàng chục chiến sĩ được tìm thấy dưới những đống đổ nát.

Cũng tại huyện này, 6 người trong một gia đình, trong đó có một người phụ nữ đang mang thai cũng bị vùi lấp do sạt lở. Đâu đó giữa những vùng đồng bằng, hàng nghìn người khác cũng đang được di tản đến nơi cao ráo bởi nước lũ bủa vây. Những nóc nhà nhô lên khỏi mặt nước, những con người ngồi vắt vẻo trên đỉnh lũ khiến bất kể ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.

Thêm một lần khúc ruột miền Trung phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Thêm một lần tiếng gọi “miền Trung ơi” lại vang lên đầy day dứt trong hàng triệu con tim người Việt. Những ngày này, người dân cả nước đều hướng về khúc ruột miền Trung để chia sẻ đau thương, mất mát. Bằng những hành động thiết thực, nhân dân cả nước đã đưa tay ra để miền Trung nắm lấy lúc khó khăn.

Lũ rồi cũng sẽ rút. Nhưng khi đó, hàng chục người đã không còn, biết bao tài sản của người dân cũng đã trôi theo dòng nước.

Cầu mong mưa đừng rơi nữa trên dải đất vốn đã chịu lắm tang thương này. Thương lắm miền Trung ơi!

Tác giả: Quang Đạt

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: lũ lụt , chiến sĩ , miền trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP