Giới trẻ

Thực đơn đám cưới "khó đỡ" ở Yên Bái, chú rể "cười ra nước mắt" khi nghe khách bàn tán

Vì tờ thực đơn đặc biệt, chú rể Yên Bái gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Trong đám cưới của mình, câu hỏi anh được nghe nhiều nhất là “món này là món gì?”.

Mới đây, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh tờ thực đơn tiệc cưới với tên các món ăn độc đáo và lạ lùng. Cụ thể, 14 món đồ ăn và thức uống được gọi với những từ ngữ trừu tượng như: Khoai anh khai vị, tôm chiên long phượng, ngưu đen dạo trong vườn hay sơn nữ ném còn...

Nhiều khách dự tiệc cưới tỏ ra bất ngờ khi đọc được những tên gọi mỹ miều và "toát mồ hôi" đoán từng món khi cầm tờ thực đơn trên tay. Đa số ý kiến của cư dân mạng dành lời khen cho gia chủ đã sáng tạo tên món ăn theo phong cách độc đáo, giúp lưu lại nhiều kỷ niệm cho cô dâu và chú rể.

Hình ảnh tờ thực đơn tiệc cưới với tên các món ăn độc đáo và lạ lùng. Ảnh: Báo Dân trí.

Chú rể Phạm Tuấn Thành (xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) xác nhận, thực đơn với loạt tên món ăn lạ lùng được dùng trong đám cưới của anh và cô dâu Thanh Nga diễn ra hôm 17/11.

Chú rể Tuấn Thành cho hay, mẹ anh là người nghĩ ra thực đơn độc lạ này. Trước đó, anh cùng mẹ họp bàn và chốt món ăn, đồ uống cho tiệc cưới. “Mẹ mình tự đi in thực đơn đám cưới. Tối 16/11, mẹ đem thực đơn về mình mới ‘ngã ngửa’ trước những cái tên lạ lẫm. Mình hỏi lý do thì mẹ bảo, mẹ muốn đem đến cho khách mời niềm vui nho nhỏ và kỷ niệm đáng nhớ khi đến dự tiệc cưới”, anh kể.

Chia sẻ trên báo Dân trí, cô Nguyễn Tú Phượng - mẹ đẻ chú rể Tuấn Thành cho biết: "Tôi bất ngờ khi nhìn thấy tờ thực đơn tiệc cưới của con trai Tuấn Thành được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi. Lễ cưới con trai út có 40 mâm dựng rạp và 120 mâm trong ngày tổ chức hôn lễ. Tôi mong muốn mang đến niềm vui cho khách đến dự tiệc và lưu lại kỷ niệm đẹp cho hai con trong ngày cưới".

Hằng ngày, cô Phượng sống vui vẻ, có khiếu hài hước cho nên quá trình sáng tạo tên món ăn không mất quá nhiều thời gian. Cô Phượng cố gắng vận dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày một cách khéo léo kết hợp thêm từ Hán Việt để tăng thêm sự sang trọng của món ăn.

Cô Nguyễn Tú Phượng (váy hoa) - mẹ đẻ chú rể Tuấn Thành là người nghĩ ra thực đơn độc lạ này. Ảnh: Vietnamnet.

Cách đây hơn 10 năm, trong đám cưới của người con trai cả, Cô Phượng cũng nghĩ ra thực đơn với những cái tên đặc biệt. Thành nói: “Nếu năm đó mạng xã hội phát triển như bây giờ thì có lẽ, thực đơn đám cưới của anh trai mình cũng gây chú ý”.

Vì tờ thực đơn đặc biệt, chú rể Yên Bái gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Thành kể, trong đám cưới của mình, câu hỏi anh được nghe nhiều nhất là “món này là món gì?”. Và anh chàng phải tua đi tua lại nhiều lần tên gọi thật của 14 món ăn.

“Vợ chồng mình đi chúc rượu các mâm, chưa kịp gửi lời cảm ơn đã phải trả lời câu hỏi về tờ thực đơn đặc biệt. Anh em, họ hàng cũng chưa kịp gửi lời chúc phúc đã hỏi tên thật của các món ăn. Có người mải đoán tên món ăn mà quên cả ăn cỗ. Cũng có người đem tờ thực đơn về nhà để vợ, chồng, con cái cùng chơi trò đoán tên. Ngay cả khi đám cưới xong xuôi, vẫn có người gọi cho mình hỏi về tờ thực đơn lạ”, Thành chia sẻ.

Cụ thể tên một số món ăn được giải nghĩa như sau: Khoai anh khai vị - khoai tây chiên; anh tôm chiên long phượng - tôm chiên; dượng mùi kiêm sả ớt - thịt dê xào sả ớt; thủy quái tắm trong sương - cá lăng om; ngưu đen dạo trong vườn - trâu nướng tảng cuốn lá cải; kim ngưu vờn bến thủy - giò bò hấp; sơn nữ ném còn - canh măng mọc; ấm tình quê hương - cơm tẻ; trái ngọt uyên ương - hoa quả tráng miệng; mặt trời êm dịu - hạt hướng dương; suối nguồn tình yêu - nước lọc.

Được biết, chú rể Tuấn Thành và cô dâu Thanh Nga cùng quê Yên Bái, đều sinh năm 2003. Cặp đôi quyết định kết hôn sau 8 năm yêu đương. Tình cảm của họ nảy nở từ tình bạn trong lúc học chung trường cấp 2.

Nhờ hai gia đình quen biết từ trước nên chuyện tình cảm nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Tình yêu của Tuấn Thành và Thanh Nga trôi qua êm đềm, không gặp bất cứ trở ngại nào. Từ năm lớp 11, cặp đôi đã thay đổi cách xưng hô từ hai bác thành bố mẹ mỗi khi gặp mặt để tạo sự gần gũi, thân tình.

Theo Vietnamnet, Thành thừa nhận, 8 năm bên nhau họ cũng có những lúc mâu thuẫn, cãi vã nhưng nhờ có sự hàn gắn của hai bên gia đình, cặp đôi sẵn sàng “chuyện lớn hóa nhỏ” để đi đến hạnh phúc.

Chú rể Tuấn Thành và cô dâu Thanh Nga cùng quê Yên Bái, đều sinh năm 2003. Ảnh: Báo Dân trí.

Điều khiến Tuấn Thành yêu nhất ở Nga là sự đơn giản. Thanh Nga là cô gái giản dị, không quan tâm đến tiểu tiết, không yêu cầu đối phương phải làm quá nhiều thứ cho mình. Điều cô cần chỉ là sự chân thành và trách nhiệm.

“Ví dụ như các ngày lễ đặc biệt, cô ấy không cần mình phải tặng quà to, quà nhỏ. Nga giản dị và đặc biệt rất quan tâm, yêu thương gia đình”, Thành chia sẻ.

Khi tình cảm chín muồi, cặp đôi quyết định về chung một nhà để xây dựng tổ ấm riêng. Với sự gắn bó bền bỉ suốt nhiều năm, họ có niềm tin vào cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuấn Thành từng suy nghĩ, đợi đến lúc đủ về kinh tế, chín chắn hơn mới lập gia đình. Tuy nhiên, trải qua thời gian 8 năm yêu nhau, cảm thấy hai bên tâm đầu ý hợp, được gia đình ủng hộ nên cặp đôi mong muốn sớm về chung một nhà.

"Đợi đủ đầy về kinh tế thì không biết tới bao giờ, còn vợ tôi cũng có thanh xuân của riêng mình. Trải qua quãng thời gian dài như vậy, mọi người xung quanh ai cũng biết tình cảm của hai đứa. Chúng tôi mong muốn về chung một nhà để bước sang một trang mới của cuộc đời", Tuấn Thành nói.

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP