Trong nước

Thủ tướng: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì?

Gặp mặt chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt thẳng câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì?

Sáng 14-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỉ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm.

Một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả như gói 120 ngàn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, trong khi gói 15 ngàn tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản lại giải ngân rất nhanh...

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề cơ bản.

"Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?" - Thủ tướng nêu thẳng vấn đề.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh? "Cần làm gì để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp?" - Thủ tướng chất vấn.

Thủ tướng yêu cầu có các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Thủ tướng cũng gợi ý các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Cùng với đó, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, đưa đất nước phát triển, đi lên, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết đến ngày 29-2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS), tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Về nguyên nhân tín dụng nền kinh tế, NHNN cho rằng cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động và thiếu đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.

Khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: Đối với Chương trình 120.000 tỉ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.

NHNN cũng nêu rõ một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng.

Tác giả: Bảo Trân

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP