Trong nước

Thủ tướng: Vận động người tiêm đủ 2 mũi vaccine vận chuyển hàng hóa

Đây là yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương.

Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Dứt khoát không để tình trạng giãn cách dài mà không đạt mục tiêu

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, phải thực hiện tốt Nghị quyết 30 của Quốc hội, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Về những tồn tại và hạn chế, Thủ tướng cho biết, vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ…khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông… nên gây bức xúc trong dư luận.

Một số địa phương ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại một số xã, phường còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo thống nhất “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, nhân dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Những nơi chưa làm thì kiện toàn ngay các ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập trung tâm chỉ huy do chủ tịch UBND các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24. Đến ngày 5/9/2021 vẫn còn 8 địa phương chưa thiết lập trung tâm chỉ huy.

Khi mục tiêu đã rõ, chiến lược đã thông, phương pháp đã được xác định, cần tập trung, quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành, nhất là tại xã, phường, thị trấn. Các nhiệm vụ, giải pháp đã có đầy đủ tại các văn bản chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm cần lưu ý. Trước hết, nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được.

Đã hy sinh phát triển kinh tế để thực hiện giãn cách thì phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

“Trong thời gian giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: Không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Giãn cách xã hội phải làm triệt để, trong thời gian ngắn. Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xét nghiệm thần tốc, khẩn trương tổ chức tiêm vaccine khi được phân bổ

Thủ tướng nêu rõ, việc thiết lập hệ thống chỉ huy, kiểm tra trực tuyến tới tận cấp xã, phường, thị trấn không chỉ để tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn mà còn giúp các cấp giữ liên hệ gần gũi, trao đổi kỹ lưỡng hơn, hiểu nhau hơn.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, “ai vào việc đấy, đúng vai thuộc bài, không ai làm thay ai, tất cả phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Về công tác y tế, Thủ tướng yêu cầu đối với các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn.

Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động;

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao.

TP Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian. Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế lên phương án tiêm vaccine cho học sinh.

Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Về công tác an sinh xã hội phải đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là tại các khu vực giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội; không để trẻ em không được đến trường sau thời gian giãn cách.

Nghiên cứu tổ chức các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, xuống tận các tổ dân phố, khu dân cư nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh.

Có phương án vận động, huy động người khỏe mạnh được tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã khỏi bệnh, đủ điều kiện di chuyển an toàn để tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng trên địa bàn.

Từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân thông cảm, chia sẻ và tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan. Trong lúc đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đảm bảo thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì phòng dịch vẫn là cơ bản, quyết định, lâu dài, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, đòi hỏi phải có sự chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng của nhân dân.

Trong khi nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong 1 đến 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine. Khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vaccine thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…, cùng với việc mỗi người có ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu truyền thông là để dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm, chỉ có như vậy với sức mạnh của nhân dân mới chống dịch thành công. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, của nhân dân để phấn đấu quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm đạt mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Tác giả: Phùng Tuệ An

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP