Trong nước

"Thủ tướng ơi, lũ lớn quá xóm tui phải bỏ chạy tháo thân"

Báo cáo với Thủ tướng, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết lần đầu tiên trong lịch sử tỉnh phải gánh chịu năm cơn lũ lớn trong vòng hơn một tháng rưỡi, thiệt hại rất khủng khiếp.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên, tặng quà cho ba hộ dân bị sập nhà, công trình phụ do lũ ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - Ảnh: Duy Thanh

Sau khi thị sát những nơi bị thiệt hại nặng do lũ gây ra tại tỉnh Bình Định, làm việc với lãnh đạo tỉnh trong ngày 21-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xây dựng chương trình tổng thể ứng phó với thiên tai ở miền Trung.

Trưa 21-12, vừa đến sân bay Phù Cát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thẳng đến xóm Xuân Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) để thăm những gia đình bị lũ quét sạch nhà cửa.

“Mức độ tàn phá 
ghê gớm!”

Xóm Xuân Cỏ nằm ven hạ lưu sông La Tinh, từng là xóm làng trù phú, nơi có nhiều ao đìa nuôi hải sản của dân, giờ như một làng bỏ hoang.

Nhiều ngôi nhà đã bị lũ đánh vỡ toang hoác, nhà này chỉ còn bức vách, nhà kia bị lũ lấy mất một nửa, nửa còn lại nằm chênh vênh vì đất dưới chân đã bị cuốn mất...

Ông Lê Minh Sơn - trưởng thôn An Xuyên 3 - cho hay đợt lũ đêm 15 ngày 16-12 đã quét qua thôn này, làm ngập hàng trăm nhà dân, trong đó cuốn trôi và gây sập hoàn toàn 11 nhà, làm sập tường bốn nhà khác.

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, nhiều người dân xóm Xuân Cỏ không cầm được nước mắt.

“Thủ tướng ơi, đêm 
15-12 cả xóm tụi tui phải bỏ chạy tháo thân, không kịp cứu bất kỳ tài sản nào. Trên người chỉ có bộ đồ thôi, giờ phải sống nhờ sống tạm nhà người ta. Làm sao có thể làm lại nhà để ở khi mà đất dưới chân nhà đã bị lũ cuốn đi hết rồi” - bà Phạm Thị Ba đỏ hoe mắt nói.

“Lũ gây thiệt hại như thế này quá nặng, mức độ tàn phá ghê gớm. Thủ tướng chia sẻ với mất mát của bà con, mong bà con cố gắng vượt lên, chính quyền sẽ cấp đất mới trong thời gian nhanh nhất để đồng bào làm lại nhà. Nhà cửa bị tàn phá thế này mà mọi người đều an toàn là điều rất đáng mừng rồi. Còn người là sẽ làm lại mọi thứ được” - Thủ tướng động viên người dân.

Thủ tướng cũng đã đến thị sát tình trạng sạt lở của đê La Tinh (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước).

Nhìn con đê đã bị sạt lở nặng, làm trôi nhà sau, chuồng heo, công trình phụ của ba ngôi nhà, uy hiếp hàng chục hộ dân khác sống trên đê, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định phải gấp rút tìm đất tái định cư, dời dân đi vì sống trên con đê đã yếu nên rất nguy hiểm.

Thủ tướng đã trao quà, tiền cho 11 hộ dân sập nhà ở xóm Xuân Cỏ và ba hộ ở đê Luật Lễ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xóm Xuân Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ), nơi có 11 căn nhà ven sông La Tinh bị lũ quét cuốn trôi, làm sập - Ảnh: Duy Thanh

Không thể đối phó lũ theo kịch bản cũ

Báo cáo với Thủ tướng, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết lần đầu tiên trong lịch sử tỉnh phải gánh chịu năm cơn lũ lớn trong vòng hơn một tháng rưỡi, thiệt hại rất khủng khiếp, vượt ngoài khả năng của tỉnh.

“39 người chết là số người chết lớn nhất do lũ lụt trước nay ở Bình Định. 551 nhà sập hoàn toàn mà nhiều nhà như Thủ tướng đến thăm trưa nay, lũ quét sạch chẳng còn gì. Đường giao thông hư hỏng nhiều, đặc biệt là 44 cây cầu bị sập hoàn toàn.

Sản xuất lúa mùa, lúa đông xuân, chăn nuôi, hải sản... đều bị thiệt hại nặng. Ước thiệt hại do năm đợt lũ gây ra tạm thời gần 2.000 tỉ đồng, hiện còn một số địa phương bị ngập, chưa thống kê hết” - ông Dũng báo cáo.

Tỉnh đã phải dùng hết quỹ dự trữ để cứu trợ khẩn cấp cho dân, hiện chỉ còn hơn 2,1 tỉ đồng để lo phòng chống dịch bệnh sau lũ. Bình Định đề nghị Thủ tướng hỗ trợ 500 tỉ đồng để khôi phục hạ tầng giao thông, thủy lợi, đời sống dân sinh, mua lúa giống cấp cho dân vụ làm đông xuân.

Ngoài ra tỉnh còn đề nghị trung ương hỗ trợ gạo, cho tỉnh miễn học phí học kỳ 2 cho toàn bộ học sinh từ tiểu học đến THPT, cấp sách vở cho 50.000 học sinh...

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - nói rằng năm nay tám tỉnh miền Trung và tỉnh Gia Lai bị ngập lụt, nhưng Bình Định là địa phương bị nặng nề nhất vì đỉnh lũ cao nhất, phạm vi rộng nhất và thời gian ngập kéo dài nhất.

“Từ đầu năm đến nay có tám đợt tác động gió mùa thì có năm đợt lệch tâm sang hẳn phía đông, là hiện tượng thời tiết bất bình thường, hoàn toàn khác với quy luật những năm trước.

Các áp thấp, vùng xoáy tăng cường độ từ Nghệ An đến Nam Trung bộ, thậm chí là đồng bằng sông Cửu Long. Chính hai hiện tượng này làm mưa liên tục khi kết thúc mùa hè, bước qua mùa đông, dẫn đến lũ lụt liên tục.

Do vậy, nguy cơ là ở vùng miền Trung những năm tiếp theo, mùa mưa sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng hơn. Điều này đòi hỏi phải thay đổi kịch bản ứng phó với lũ lụt cho miền Trung chứ không thể áp dụng kịch bản lâu nay nữa” - ông Cường đề xuất với Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Lãnh đạo các bộ ngành rồi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng hai lần vào Bình Định chỉ đạo ứng phó lũ lụt, nay tôi phải vô vì dân mình bị thiên tai nặng nề như vậy mà không đến là không an lòng”.

Thủ tướng cho rằng dù tỉnh Bình Định đã nỗ lực hết sức nhưng số người chết do lũ quá lớn, quá đau xót, cần phải tìm nguyên nhân, giải pháp để khắc phục.

“Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình thiệt hại, nhất là những gia đình mất người thân. Phải quan tâm, giúp đỡ người dân vùng lũ vì bà con mất mát lớn, lũ kéo dài, đừng để người dân cảm thấy cô đơn.

Phải tập trung xử lý nhanh hơn, tốt hơn, đừng để bất kỳ ai đói, đau, học sinh không được đến trường. Phải tìm đất, tìm cách hỗ trợ để dựng lại nhà cửa cho dân, đừng để đồng bào sống cảnh màn trời chiếu đất” - người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các bộ ngành hỗ trợ miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng thực hiện một vụ sản xuất đông xuân đặc biệt, tập trung vào bốn yếu tố: đồng ruộng, thủy lợi, giống, cơ cấu.

“Vụ đông xuân đặc biệt này phải đảm bảo thắng lợi, vì dân bị lũ đã thiệt hại nặng nề, nếu vụ lúa này mà thất bát nữa thì dân sẽ đói” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành trung ương và các địa phương xây dựng chương trình tổng thể ứng phó với thiên tai ở miền Trung.

“Tại sao miền Trung mùa hè khô hạn rất gay gắt, còn mùa mưa lại ngập lụt nặng thế này? Cần phải có một chương trình nghiên cứu tổng thể chứ không phải nhìn hiện tượng rồi giải quyết ngay” - Thủ tướng chỉ đạo.

Hỗ trợ cấp bách cho Bình Định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cấp bổ sung cho Bình Định 80 tỉ đồng để hỗ trợ đời sống dân sinh sau lũ; cấp thêm 2.000 tấn gạo để dân kịp đón tết; giao Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với các cơ quan liên quan và các bộ ngành rà soát, tổng hợp kiến nghị các địa phương, trong đó Bình Định đề xuất hỗ trợ tỉnh 180 tỉ đồng để khắc phục hạ tầng thủy lợi, đê điều bị hư hỏng, trình Thủ tướng trước ngày 31-12.

Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giáo dục - đào tạo tham mưu việc miễn học phí học kỳ 2 và cấp sách vở cho học sinh.

Ông cũng giao Bộ Công thương ưu tiên nguồn vốn ODA để miền Trung thực hiện phục hồi, tái thiết cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, dân sinh và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.

* Sáng 21-12 ở tỉnh Quảng Nam, người dân đã tất bật ra đồng ruộng của mình để dọn vệ sinh sau lũ. Một số diện tích lúa vụ đông xuân được người dân tiếp tục xuống giống gieo trồng.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết địa phương sẽ có trách nhiệm nhanh chóng hỗ trợ, nhất là về giống cây trồng cho bà con kịp thời sản xuất.

D.Thanh - L.Trung

Tác giả bài viết: Duy Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP