Trong nước

Thủ tướng: Nông nghiệp thông minh là đòn bẩy chiến lược cho Thái Bình

Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp thông minh có thể trở thành đòn bẩy chiến lược đưa Thái Bình hội nhập mạnh vào xu hướng công nghiệp 4.0.

Sáng 14/2, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình diễn ra Lễ khởi công xây dựng dự án tuyến đường bộ ven biển; công bố quy hoạch – triển khai thực hiện Dự án khu công nghiệp chuyên phục nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Bình.

 Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 34km được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư, hợp đồng BOT. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác là gần 1.600 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư BOT là gần 1.290 tỷ đồng.

Dự kiến nhà đầu tư sẽ được thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 2 tháng (từ năm 2022 - 2045). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc đạt 80km/giờ.

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã công bố quy hoạch, triển khai Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ có quy mô trên 194 ha tại một số xã huyện Quỳnh Phụ, tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng.

Dự án gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu khu thoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực, thực phẩm. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.200 lao động, hàng chục nghìn lao động gián tiếp.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá, Thái Bình đang nổi bật là địa phương kiểu mẫu về ý Đảng, lòng dân trong nông nghiệp. Điều đó thể hiện qua việc người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng cấp đất với thời gian 20-30 năm, giúp nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi.

Thủ tướng đánh giá cao Thái Bình năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn với tài sản lên đến hàng tỷ USD.

 Thủ tướng

Thủ tướng cùng các đại biểu phát lệnh khởi công.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình câu đối “Tống cựu, nghinh tân, mừng xuân mới/Quốc kế, dân sinh, kiến Thái Bình”.

Theo Thủ tướng, “Tống cựu, nghinh tân” ở đây được hiểu là tư duy mới, cách làm mới, để đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là nông nghiệp thông minh, nông dân cấp tiến vượt lên chính mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Nông thôn trù phú không chỉ với những cánh đồng lúa xanh tốt, mà còn là những mô hình nông nghiệp đa dạng, giá trị gia tăng cao, tạo nhiều sinh kế cho lao động có kỹ năng với môi trường trong lành, đậm đà bản sắc văn hóa.

“Chiến lược đi tắt đón đầu của Thái Bình là phải thu hút đầu tư quy mô lớn, vận động các nhà nông nghiệp tầm cỡ tham gia sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững”- Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng nêu rõ: “Quốc kế, dân sinh, kiến Thái Bình” được hiểu là Thái Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chủ trương lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước đề ra, thông qua việc tham gia liên kết kinh tế, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phát triển nông nghiệp thông minh có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Thái Bình hội nhập mạnh vào xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng nhận định, nông nghiệp Việt Nam muốn thành công phải nâng cấp nền tảng sản xuất, thị trường; phải công nghiệp hóa nông nghiệp, trước hết gắn nông nghiệp với công nghiệp, cơ giới hóa, hình thành tư duy cụm, ngành nông nghiệp. Muốn vậy phải thu hút các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, quản trị và tư duy về nông nghiệp để tham gia vào dự án này. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư đã đầu tư vào phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong đó có Dự án Khu công nghiệp chuyên phục nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ tại Thái Bình.

Về tuyến đường bộ ven biển được khởi công tại Thái Bình, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyến đường này giúp kết nối Thái Bình với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, nhất là cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), thúc đẩy phát triển cả khu vực và Thái Bình. Cùng với đó sẽ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Thái Bình.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh chăm lo cho người dân nhường đất cho dự án, nhất là giúp người dân nhường đất cho dự án hưởng lợi từ dự án. Cùng với đó là khẩn trương triển khai dự án, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ và chất lượng./.

Tác giả: Vũ Dũng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP