Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN) |
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định vai trò quan trọng của các tỉnh, thành phố phía nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vùng ÐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển, do đó cần xác định rõ thách thức; xác định mô hình chuyển đổi phát triển bền vững các tiểu vùng và toàn vùng thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH); mô hình liên kết, điều phối vùng; điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, thủy lợi; nguồn nhân lực… để cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL trong thời gian tới.
Ðánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong vùng ÐBSCL thời gian qua trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức dưới sự tác động của BÐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm dành nguồn lực, tập trung chỉ đạo phát triển ÐBSCL, nhờ vậy, bộ mặt ÐBSCL có sự thay đổi lớn, đời sống vật chất, tinh thần người dân trong vùng có sự phát triển. Nhiều địa phương quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều mô hình nuôi tôm, trồng lúa áp dụng công nghệ mới, sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Vấn đề quan trọng cho sự phát triển của vùng là cần chỉ đạo tập trung, quyết liệt hơn, nhanh hơn để ÐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện BÐKH, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Trong các khâu đột phá, đột phá hạ tầng là quan trọng nhất, gồm cả hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội; hạ tầng số, hạ tầng thông minh. Ðồng thời, để ứng phó với BÐKH trong phát triển bền vững ÐBSCL, các bộ, ngành đang triển khai nhiều giải pháp và Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết để có đánh giá và dành nguồn lực để phát triển vùng đất nhiều tiềm năng này. Phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, nhất là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế vùng, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng. Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cam kết đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng ÐBSCL, quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2020 - 2021, cũng như bảo đảm đủ nguồn vốn để xây dựng hạ tầng giao thông trong vùng. Về liên kết vùng và tiểu vùng vùng ÐBSCL, Chính phủ ghi nhận kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đồng thời sẽ tổ chức hội nghị thúc đẩy kết nối giao thông TP Hồ Chí Minh và vùng ÐBSCL trong thời gian tới. Các bộ, ngành, địa phương trong vùng cần chú trọng phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; phát triển đô thị và quy hoạch dân cư vùng ÐBSCL phù hợp với điều kiện BÐKH; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải thực chất, rõ nét hơn; các thiết chế văn hóa cần duy trì và phát triển. Ðặc biệt, Chính phủ rất quan tâm xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ðồng thời, các địa phương tăng cường vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong vùng, nhất là các tỉnh giáp biên giới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quy hoạch ÐBSCL phải có tầm nhìn xa, theo hướng liên kết vùng; quyết liệt tổ chức thực hiện, nhất là huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng; quan tâm dành nguồn lực cho phát triển vùng. Các địa phương phía nam cần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ của địa phương, để cùng với Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Nhân dân