Thế giới

Thủ tướng Moldova từ chức giữa bất ổn kinh tế, căng thẳng với Nga

Ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ thân phương Tây của Moldova từ chức, sau 18 tháng đương đầu với bất ổn kinh tế và tác động từ chiến dịch quân sự của Nga ở nước láng giềng Ukraine.

Bà Natalia Gavrilita từ chức Thủ tướng Moldova

Tổng thống Maia Sandu đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Natalia Gavrilita và đề cử Trợ lý tổng thống Dorin Recean làm người kế nhiệm.

Ông Recean, 48 tuổi, dự kiến sẽ được quốc hội phê chuẩn nhanh chóng. Ông khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Moldova gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khôi phục nền kinh tế.

“Chính phủ mới sẽ có 3 ưu tiên: trật tự và kỷ luật; cuộc sống mới và nền kinh tế; hoà bình và ổn định”, ông Recean nói. Ông từng là bộ trưởng nội vụ và thư ký hội đồng an ninh Moldova.

Những thách thức mà ông Recean phải đối mặt bao gồm ứng xử với điều mà Moldova gọi là sức ép của Nga lên quốc gia 2,5 triệu dân từng là thành viên của Liên Xô cũ. Hiện nay, Moldova một bên tiếp giáp với Ukraine, một bên với Romania – một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU.

Nga phản đối việc các nước cộng hoà từng thuộc Liên Xô cũ gia nhập EU.

Ngày 10/2, căng thẳng tăng lên khi Chisinau tố một tên lửa Nga vi phạm không phận Moldova trước khi rơi xuống Ukraine, vì thế đã triệu đại sứ Nga đến nhận phản đối.

Bộ Ngoại giao Moldova lên án “những hành động và tuyên bố thiếu hữu nghị” đối với nước này, cho rằng điều đó “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Đa khủng hoảng

Tổng thống Sandu cảm ơn chính phủ sắp mãn nhiệm vì những nỗ lực “trong thời kỳ xảy ra nhiều khủng hoảng”.

Bà Gavrilita trở thành thủ tướng từ tháng 8/2021, sau khi đảng Đoàn kết và Hành động của bà giành được đa số ghế trong quốc hội với lời hứa quét sạch tham nhũng.

EU chấp nhận Moldova làm ứng cử viên từ năm ngoái. Chính phủ nước này lên kế hoạch cải tổ để đẩy nhanh quá trình gia nhập liên minh của 27 quốc gia và nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, Moldova đối mặt với lạm phát tăng vọt và chật vật với dòng người tị nạn từ Ukraine. Nước này cũng rơi vào tình trạng mất điện triền miên sau khi Nga tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine, trong khi phải cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Giá cả tăng cao dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố, đòi chính phủ và Tổng thống Sandu từ chức.

Các cuộc biểu tình do đảng của chính trị gia đối lập lưu vong Ilan Shor tổ chức, gây ra thách thức chính trị nghiêm trọng nhất đối với bà Sandu kể từ chiến thắng vang dội năm 2020.

Chisinau cho rằng đợt biểu tình là một phần chiến dịch của Nga nhằm gây bất ổn cho chính phủ nước này.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP