Kinh tế

Thu nhập cao nhờ trồng thanh long ruột đỏ

Nhờ chịu khó nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Hoàng Danh ở ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm chỉ với 4 công đất trồng thanh long ruột đỏ. Ông Danh còn giúp nhiều hội viên phát triển loại cây trồng này.

Ông Danh (bên phải) biết cách xử lý cho thanh long ra trái nghịch vụ nên bán được giá cao, thu nhập ổn định. Ảnh: K.V

Trước đây, 4 công vườn của ông Danh trồng vú sữa, mỗi năm thu nhập 40-50 triệu đồng. Vú sữa già cỗi, năng suất giảm nên ông Danh tìm hướng chuyển đổi sản xuất. Qua tìm hiểu mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Vĩnh Long, Trà Vinh, nhận thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giá cả ổn định, ông Danh quyết định đốn bỏ 1,5 công vú sữa để trồng thanh long. Ông Danh nhớ lại: “Năm 2013, tôi mua 2 triệu đồng tiền giống thanh long ruột đỏ ở Trà Vinh về trồng được 180 trụ. Sau 1 năm chăm sóc cẩn thận, cây thanh long phát triển xanh tốt và bắt đầu cho trái”. Vụ trái đầu tiên, ông Danh bán được khoảng 100kg, giá 15.000 đồng/kg. Sau đó, cứ cách 1 tháng, ông thu hoạch 1 lần và năng suất cũng tăng theo. Thấy cây thanh long có triển vọng, ông Danh quyết định đốn bỏ 2,5 công vú sữa còn lại để phát triển mô hình trồng thanh long.

Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Danh được 4-5 năm tuổi, cho năng suất khá ổn định. Ông Danh cho biết: “Trung bình mỗi tháng thu hoạch từ 1-1,5 tấn trái, tùy thời điểm, giá bán từ 12.000-60.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình thu nhập từ 15-20 triệu đồng”. Theo kinh nghiệm của ông Danh, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc bởi phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn đảm bảo năng suất, chất lượng, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình bón phân, tưới nước và cách chăm sóc. Ông Danh cho biết: “Hiện nay, tôi bán cho các vựa thanh long tại tỉnh Vĩnh Long. Số lượng bao nhiêu họ cũng tiêu thụ hết nên tôi rất an tâm về đầu ra sản phẩm”. Ngoài thu mua trái, các vựa thu mua thanh long còn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc thanh long và thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để thanh long ra trái nghịch vụ, ông Danh đầu tư hệ thống chiếu sáng cho vườn thanh long. Ông Danh cho biết: “Trước và sau khi xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, cần phải bón thêm phân hóa học kết hợp phân hữu cơ để cây khỏe mạnh, nuôi trái tốt. Từ khi thanh long ra hoa đến thu hoạch đúng 1 tháng. Sau khi thu hoạch, phải thường xuyên tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp ánh sáng, hạn chế dịch bệnh”. Ông Danh còn bán hom giống cũng như hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăm sóc thanh long cho những nông dân có hoàn cảnh khó khăn, để giúp mọi người cùng vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế.

Ông Hà Tấn Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giai Xuân, cho biết: “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Hoàng Danh cho thu nhập cao và ổn định nên nhiều người trên địa bàn xã cũng học tập trồng được khoảng 1,5ha. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ thành lập Tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ ấp Tân Hưng để xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển và nhân rộng mô hình ”.

Tác giả: K.V

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP