Pháp luật

Thủ đoạn tinh vi khiến Giám đốc doanh nghiệp và các chủ tiệm vàng ở Thanh Hóa liên tiếp “sập bẫy”

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua, bán hàng hóa có giá trị lớn.

Ngày 13/4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua, bán hàng hóa có giá trị lớn trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT và tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân…

Điển hình, tại huyện Như Xuân, khoảng 17h30 phút ngày 12/3, có một người đàn ông gọi vào số điện thoại của chị L.T.Y là chủ cửa hàng vàng bạc Thiên Bảo (ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tự xưng là Duy và hỏi mua của chị 3 cây vàng với giá 209 triệu đồng.

Sau khi trao đổi, người đàn ông đó đã kết bạn Zalo với chị Y và yêu cầu chị Y giao vàng cho chị N.T.H là chủ cửa hàng vàng bạc Hoa Phi ở cùng phố và nói sau khi chị H xác nhận đủ 3 cây vàng thì sẽ chuyển tiền qua tài khoản cho chị Y.

Công an huyện Như Xuân tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm tại các tiệm vàng. (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa)

Cũng vào khoảng thời gian này, chị N.T.H là chủ cửa hàng vàng bạc Hoa Phi cũng nhận được số điện thoại tương tự và nói cần bán cho chị H 3 cây vàng với giá tiền 203 triệu đồng. Số vàng này, đối tượng “đang gửi” ở nhà chị Y và yêu cầu chị H sang nhà chị Y lấy vàng về rồi chuyển tiền qua tài khoản cho người này. Sau khi lấy vàng về từ nhà chị Y, chị H đã chuyển đủ số tiền 203 triệu đồng cho đối tượng qua tài khoản.

Về phía chị Y đợi mãi mà không thấy đối tượng chuyển tiền nên đã gọi cho chị H để hỏi thì chị H trả lời đã mua số vàng đó của người tên Duy qua điện thoại và chuyển đủ tiền cho người này. Sau nhiều lần liên lạc với người tên Duy nhưng không được, cả chị Y và chị H mới biết mình bị lừa nên đã đến trình báo với Công an huyện Như Xuân.

Cũng với thủ đoạn tương tự nêu trên, ngày 29/3, một người đàn ông đã gọi điện cho anh L.H.V là Giám đốc Công ty CPTM và xây dựng VNT (có địa chỉ tại xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương) và giới thiệu là nhân viên bán hàng của Công ty sắt thép ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, chào bán thép với giá rẻ hơn giá ngoài thị trường. Sau khi trao đổi, anh V đã đồng ý mua 34 tấn sắt phi 14 với tổng 494 triệu đồng, thỏa thuận nhận hàng vào ngày 2/4 tại xã Quảng Đức.

Khoảng 10h ngày 2/4, anh T.X.T, (SN 1982 ở phường Hưng Đông, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) là lái xe cho công ty TNHH và dịch vụ vận tải Đức Thắng ở TP.Vinh, Nghệ An đã chở số sắt trên đến Công ty của anh V. Cùng thời điểm này, người đàn ông lạ đã điện thoại yêu cầu anh V chuyển tiền vào một tài khoản tại ngân hàng Tecombank mang tên Phạm Lê Huỳnh Trâm. Sau khi kiểm tra số sắt mà anh T.X.T mang đến thấy đúng yêu cầu, anh V đã chuyển đủ số tiền 494 triệu đồng vào số tài khoản trên rồi cho người bốc sắt xuống thì anh T không cho do công ty chưa nhận được tiền trong tài khoản. Anh V gọi điện thoại cho người đàn ông lạ thì số điện thoại đã tắt thuê bao, không liên lạc được.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân và Quảng Xương đang tập trung lực lượng để tiến hành điều tra, làm rõ 2 vụ án nói trên.

Qua 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo đây là thủ đoạn mới của tội phạm nên người dân cần cẩn trọng khi mua, bán những hàng hóa có giá trị qua mạng xã hội, đề phòng kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa mua, bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền của nạn nhân, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa; khi phát hiện đối tượng nghi vấn, sự việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần liên hệ trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP