Kinh tế

Thu - chi ngân sách, tay làm chẳng đủ hàm nhai

Mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn song bội chi ngân sách năm 2014 vượt hơn 36.145 tỉ đồng so với mức Quốc hội quyết định, nhiều khoản chi không có trong dự toán.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 1 trong 5 dự án mà trong năm 2014 Chính phủ đã cấp phát vốn trên 6.200 tỉ đồng thay vì cho vay lại nhưng không xin ý kiến Quốc hội - Ảnh: Hữu Khoa


Ngày 15-6, tiếp tục phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về quyết toán ngân sách năm 2014.

Có một số điểm đáng lưu ý: bội chi ngân sách vượt hơn 36.000 tỉ đồng, nhiều khoản chi không có trong dự toán…

Đặc biệt, 10.000 tỉ vốn đáng lẽ vay về để cho vay lại nhưng Chính phủ lại cấp phát cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), thể hiện kỷ luật ngân sách không nghiêm.

Kỷ luật không nghiêm: chi trước báo sau

Báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho thấy: mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn song thu ngân sách quyết toán 877.697 tỉ đồng (tăng 12,1%, tương đương 94.997 tỉ đồng so với dự toán). Chi ngân sách quyết toán 1.114.767 tỉ đồng (tăng 10,7%, ứng với 108.067 tỉ đồng).

Đáng chú ý: bội chi quyết toán là 260.145 tỉ đồng, vượt 36.145 tỉ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,61% GDP thực hiện.

Lý do vượt chi hơn dự toán được ông Dũng giải thích là do tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỉ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi.

Chỉ ra một loạt bất cập trong điều hành thu chi ngân sách năm 2014, trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận: việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Cụ thể, đến nay Chính phủ chưa báo cáo thường vụ Quốc hội về việc đã giải ngân vượt dự toán 36.952 tỉ đồng, trong đó có 10.782,7 tỉ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại cấp phát tại một số dự án của VEC.

“Theo quy định tại điều 49 Luật ngân sách nhà nước, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội.

Thực tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán.

Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 điều 55 Hiến pháp và quy định của Luật ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi ngân sách năm 2014 vốn ngoài nước 36.952 tỉ đồng” - ông Hải cương quyết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình: khoản tiền 10.782,7 tỉ đồng được cấp phát cho năm dự án đường cao tốc gồm Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN10-P8: 1.255 tỉ đồng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VNXV-1 & VN10-P7: 6.231 tỉ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VN13-P5: hơn 861 tỉ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN13-P4: gần 1.600 tỉ đồng, Nội Bài - Lào Cai: 838 tỉ đồng.

“Thực tế các khoản vốn trên đã ghi thu ghi chi vào năm 2014, vì vậy đề nghị cho phép báo cáo Quốc hội để quyết toán khoản chi này vào năm ngân sách 2014. Còn việc chi vượt dự toán nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích. Vì cần nhìn cả quá trình khi trước đây, công tác giải ngân vốn ODA rất chậm, hiện đang còn chưa giải ngân được lên tới 22 tỉ USD” - ông Dũng giãi bày.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong 5 dự án mà trong năm 2014 Chính phủ đã cấp phát vốn thay vì cho vay lại hàng trăm tỉ đồng nhưng không xin ý kiến Quốc hội - Ảnh: Tuấn Phùng


Làm đúng Hiến pháp, đừng có du di!

Qua nghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu có một thực tế đáng buồn là chi luôn vượt dự toán. Có tình trạng doanh nghiệp thì chuyển giá, còn cơ quan tài chính thì chuyển nguồn, chuyển hạch toán hàng nghìn tỉ đồng.

Do vậy, ông Lý tha thiết yêu cầu “cần phải nghiêm túc thực hiện đúng Hiến pháp, đúng luật, không có du di”, vì Hiến pháp đã quy định các khoản thu chi ngân sách nhà nước phải được dự toán.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng năm 2014 công tác quản lý ngân sách có nhiều tiến bộ, công khai, minh bạch hơn.

“Đây là năm đầu tiên thực hiện Hiến pháp. Chi cũng theo đúng dự toán, Quốc hội đã phê duyệt bội chi 224.000 tỉ đồng thì dứt khoát là 224.000 tỉ đồng chứ không thể lên đến 260.000 tỉ đồng được. Đây là thể hiện đúng kỷ luật kỷ cương tài chính.

Trường hợp Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán ngân sách nhà nước khoản chi ngân sách tăng hơn 36.000 tỉ đồng vào năm 2014 hoặc 2015 hay năm 2016 là quyền Quốc hội. Trước hết, Chính phủ phải có tờ trình Quốc hội.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với một số khoản chi không đúng dự toán trước đây nhưng Quốc hội vẫn “thương” mà cho qua, nhưng lần này không thể “thương” được nữa.

Và bà Ngân đã giao Ủy ban Tài chính - ngân sách phải có báo cáo thẩm tra chính thức quyết toán ngân sách năm 2014 để trình phiên họp đầu tiên Quốc hội khóa XIV diễn ra tháng 7 tới.

Bà Ngân cũng đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp thu về việc khoản bội chi hơn 36.000 tỉ đồng không tính vào ngân sách năm 2014 và có thể tính vào những năm sau.

Phải chỉ rõ địa chỉ lãng phí

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2015 Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ mua sắm tài sản công, nhất là xe công, chỉ mức mới 611 ôtô với tổng giá 603 tỉ đồng...

Đóng góp cho báo cáo, bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng cần phải chỉ rõ những địa chỉ làm tốt, tiết kiệm để khen thưởng và xử lý những người làm sai, lãng phí tài sản nhà nước.

Bà Nga cũng nêu: vừa qua báo chí, dư luận nêu Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ... gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, bà đề nghị “cần phải có báo cáo cụ thể”.

“Quốc hội nên yêu cầu báo cáo cụ thể về mấy dự án này, trách nhiệm của người đứng đầu, của người đầu tư. Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị này đã luân chuyển đi đâu, làm gì khi để xảy ra lãng phí tại các dự án trên” - bà Nga kiến nghị.

Cùng quan điểm với bà Nga, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo cần phải chỉ rõ những địa chỉ lãng phí, chứ nêu chung chung là một số địa phương dẫn đến tình trạng chưa thấy được trách nhiệm.

Đặc biệt, việc lãng phí trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải làm rõ.

Kinh phí còn lại từ 2015: 15.460 tỉ đồng

Trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2015 là 5.460 tỉ đồng, cộng với 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp.

Như vậy, tổng nguồn lực của ngân sách trung ương đến hết năm 2015 là 15.460 tỉ đồng.

Việc chi vượt dự toán nhìn lại là khuyết điểm nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, vì cần nhìn cả quá trình khi trước đây, công tác giải ngân vốn ODA rất chậm, hiện đang còn chưa giải ngân được lên tới 22 tỉ USD

Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG

Tác giả bài viết: Lê Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP