Kinh tế

Thông tin mới nhất về công nhận "hộ chiếu vắc xin", sớm mở cửa nền kinh tế

Việt Nam nghiên cứu công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin" với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới là vấn đề cần được đẩy nhanh, nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Nội dung này được nêu trong dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghị quyết này Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Giảm thiểu tối đa doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản

Theo Bộ KH&ĐT, tình hình dịch bệnh trên nước diễn biến phức tạp do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh. Các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.

Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Chính phủ đặt ra mục tiêu sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất (Ảnh: Đoàn Bắc).

Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Một số chỉ tiêu đến hết năm nay là lũy kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19. Khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Sớm công nhận "hộ chiếu vắc xin"

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19, dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.

Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ KH&ĐT cho rằng đây là những kiến nghị xác đáng, cần tiếp thu, điều chỉnh. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các địa phương thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 (Ảnh minh họa).

Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy định giao các Bộ, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng áp dụng linh hoạt các quy định, điều kiện phù hợp với bối cảnh mới.

Việc đảm bảo nguồn cung vắc xin, kịp thời tổ chức tiêm chủng cho người lao động và người dân là hết sức quan trọng nên dự thảo Nghị quyết giao Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh "ngoại giao vắc xin"; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vắc xin đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

"Nghiên cứu công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin" với các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng cần được đẩy nhanh nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép" - dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Ba là, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết giao các địa phương và doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19 ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, bao gồm cả việc kiểm tra và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện.

Bốn là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn về dòng tiền, do đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng.

Năm 2020, các chính sách đã phát huy tác dụng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Do vậy, dự thảo Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách này.

Dự thảo Nghị quyết cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP