TS Ngô Hồ Anh Khôi. |
Chuyện thứ nhất
“Chưa thể đặt tên vì mọi thứ chỉ là mơ ước mới định hình”, TS Khôi nói.
Nói vậy, nhưng với nguồn dữ liệu văn hóa- lịch sử- hệ thống nhà hàng, quán ăn, đường đi nước bước để du khách tới những điểm đến thú vị, nghe những câu chuyện lắng đọng, những giai thoại lâu nay chôn chặt trong những xóm làng, gia tộc… đang được TS Khôi hệ thống theo dự định số hóa bản đồ cho du khách tới Cần Thơ. Tất cả đều từ tiền túi của một nhà khoa học trẻ, đủ hiểu mọi thứ đã định hình và chịu đựng lâu lắm rồi.
TS Khôi có những bộ sưu tập đủ để mở một bảo tàng tư nhân tại Cần Thơ. Lâu nay chỉ những người đam mê giải mã đồ cổ, tìm những phép lạ trong hiện vật xa xưa mới tìm đến. Riêng bộ sưu tập Tarot đã được UNESCO công nhận là bảo tàng duy nhất ở châu Á và là 1 trong 6 bảo tàng trên thế giới (Vietnamese Museum of Tarot and Occult).
Công nghệ số và những cuộc tìm kiếm cổ vật ở nhiều nước, rất kỳ công giúp TS Khôi có một “kho báu” cùng lời giải mã uyên thâm về hiện vật. Với cách hệ thống kỳ công và nghiêm túc, anh thu hút du khách từ nhiều nước, phần đông là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng.
Theo cách nói của TS Khôi, cái hên của anh là hành trình nghiên cứu Bảo vệ luận văn số hóa dữ liệu thư viện quốc gia, giúp bước chân không mỏi tới hầu hết các bảo tàng ở châu Âu, châu Á... và cả những tay chơi cổ vật. Xong việc nghiên cứu để hiểu về giấy, mực in, kỹ thuật và cấu trúc in trên giấy cổ từ thế kỷ XI đến nay… lại cho anh thấy sợi dây giữa bảo tàng kết nối với du khách.
Ở đâu chẳng có bảo tàng? “Bảo tàng sẽ kéo du khách” , TS Khôi nói về một sợi dây ít người thấy được: Vấn đề là bảo tàng – nơi lưu giữ ký ức lịch sử - làm gì cho đặc sắc? Chỉ mình mới có, làm gì để bảo tàng thực sự có sức sống?”.
Bảo tàng Tarot và Occult, chỉ là khởi đầu, không chỉ một mà sẽ tìm cách làm 5 bảo tàng, khai thác và sẽ chuyển giao lại cộng đồng khi có nguồn thu. Theo TS Khôi, nếu không kiếm được cái gì hay thì cái hay chung quanh được tập hợp lại, mọi người muốn biết phải tìm về đây.
Khách tham quan nhà lồng chợ cổ Cần Thơ. |
Chuyện thứ hai
Cần Thơ có nhiều nhà sưu tầm (tiền cổ, gốm, hiện vật từ nền văn hóa Ốc Eo, nông cụ…), am hiểu cổ vật và thú chơi rất chuyên nghiệp, tao nhã, nhưng tất cả hiện vật đều giữ kín, những kiến thức bị trùm chăn.
TS Khôi ao ước có được mặt bằng để trưng bày, còn những người đầy ắp hiện vật cổ thì mong có chính sách rõ ràng về cổ vật mới dám trình làng.
Bảo tàng và văn hóa giao thoa Đông – Tây hoàn toàn có thể tạo sức thu hút du khách, trước tiên thu hút giới nghiên cứu, doanh nhân có đam mê, người hiểu biết và cả những người chưa biết nhiều về lịch sử.
Người Pháp làm bảo tàng dệt ở Lyon, sức thu hút rất mạnh vì cái gì thuộc chủ đề này đều ở đó. Paris có rất nhiều bảo tàng và du khách tới đó để tăng thêm hiểu biết về lịch sử.
Du khách Pháp đến Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vì biết chuyện tình Marguerite Duras, được giới thiệu kiến trúc, hiện vật, khung cảnh chuyện tình…. Cần Thơ có chợ cổ, vườn lan- phim trường diễm lệ của L’amant… nhưng lay động con tim du khách như thế nào? Tạo một dòng suối nhẹ nhàng lịch lãm cho những bước chân khám phá giá trị nhân văn từ nhiều nền văn hóa khác, có phải thực tế đang đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo hơn không?
Cách làm ở xứ mình là bảo tàng tổng hợp, vận hành theo thiết chế chỉ nhằm nghiên cứu; sưu tầm, bảo quản; trưng bày giới thiệu đến công chúng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên, nhưng lây lất với kinh phí eo hẹp. Cái gì cũng có, nhưng không có gì bằng nơi khác nên người từng đến bảo tàng chê nghèo nàn đâu có gì lạ.
Những người làm bảo tàng tư nhân sẵn sàng đổi hiện vật để có chủ đề; Chủ đề nào làm rõ chủ đề nấy thì bảo tàng sẽ không còn là kho chứa hiện vật. Nhà nước có chủ đề lịch sử và bảo tàng lịch sử chiến tranh, ít có bảo tàng chuyên đề. Tư nhân có bảo tàng về thuốc và bảo tàng áo dài, quá giỏi, quá xuất sắc. Mọi người bắt đầu hiểu rằng đầu tư cho bảo tàng có thể nuôi sống nhiều thế hệ về sau, chứ không phải lây lất như bây giờ, TS Khôi nói về cách nghĩ khác từ góc nhìn tư nhân.
Cần Thơ cũng có nhiều ý tưởng phát triển di sản văn hóa ẩm thực, nếu được chứng minh bằng những hiện vật, câu chuyện xưa và nay thì đó là giềng mối tương tác với du lịch.
Bảo tàng chuyên đề văn hóa Óc Eo, về Phù Nam, Champa… Nếu câu chuyện Vua Khmer tặng cái bình có minh văn cho vua Champa, đưa lên mạng so sánh motype, hoàn toàn có thể phát triển câu chuyện.
Câu chuyện số hóa
Các nước đang số hóa hiện vật bảo tàng, bảo đảm mọi thứ vẫn trong tay mình và ai cũng có thể chiêm ngưỡng. Những tổ chức chuyên nghiên cứu truy cập theo chuyên đề sẽ mời mình, họ trả tiền và đó là nguồn thu cho người làm bảo tàng.
Tuy nhiên, ý tưởng làm bảo tàng tư nhân ở nước ta có cái khó là Luật Di sản không giống các nước và chưa khuyến khích bảo tàng tư nhân, giới mua bán, giới sưu tập, nghiên cứu và nhiều đối tượng khác sợ hiện vật bị trưng thu nên ngại số hóa. Nhiều bảo tàng lưu giữ hiện vật không thích số hóa vì khi đưa lên sợ bị phát hiện đồ giả.
“Số hóa dữ liệu bảo tàng, sẽ cho mọi người biết đồ giả hay thật. Trên thế giới người ta quan niệm: Khi một hiện vật bị đánh cắp, cho dù chính tác giả làm lại thì đó cũng là đồ giả, là sao chép cảm xúc của thời điểm đầu tiên chứ không phải đồ thật”, TS Khôi chia sẻ.
Đối với nước ngoài trả 1-2 đồng cho nghiên cứu, tìm tư liệu không có gì lớn nên họ sẵn sàng. Qua đó chúng ta còn lập cầu nối giữa các nhà sưu tập quốc tế và Việt Nam. Các bảo tàng quốc tế sẽ mời Việt Nam trưng bày, họ trả tiền cho mình và đó là cách lan truyền văn hóa và có nguồn thu cho những bảo tàng có sức sống.
Nếu chọn chủ đề Khmer, bảo tàng ở một tỉnh có đồng đồng bào Khmer nhưng không tập hợp đủ hiện vật, câu chuyện thì nơi khác làm với đầy đủ ký ức lịch sử, hiện vật… đến lúc đó phải chấp nhận nơi khác mở chi nhánh tại tỉnh này, hai bảo tàng cùng một chủ đề, phải chấp nhận tương phản giữa một bên giàu hiện vật và những câu chuyện lung linh, còn một bên là những hiện vật xơ cứng. Bảo tàng nông nghiệp – lúa nước – là ý hay, cần được tập hợp, cả những câu chuyện của nền văn minh lúa nước, bản sắc và giao thoa văn hóa các sắc tộc, tiến trình khẩn hoang, việc sinh cư, câu chuyện văn hóa, ẩm thực xưa- nay… sẽ thu hút du khách tới nơi, để thấy rõ chủ đề, kéo theo chuỗi tác động sinh lợi. “Vận hành như vậy có lợi cho người dân, có lợi cho kinh tế của xứ đó và kích hoạt suy nghĩ tạo sức sống cho bảo tàng. Khi tìm được nét đặc sắc, chắc chắn sẽ ráp nối bảo tàng vào tour tuyến thu hút du khách để có nguồn thu”, TS Khôi tin chắc như vậy.
Tác giả: CHÂU LAN
Nguồn tin: Báo Cần Thơ