Kinh tế

Thịt mát: Hướng ra mới của ngành chăn nuôi

Việc Bộ Khoa học Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là động lực giúp ngành chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp có đủ điều kiện hướng tới xuất khẩu thịt lợn.

Thịt mát có gì khác biệt?

Thịt mát mở ra hướng mới cho ngành chăn nuôi (Ảnh TL)

Quốc hội đang thảo luận và dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6, khóa XIV lần này với nhiều điểm mới, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đảm bảo môi trường và Quyết định ban hành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 12429:2018 về thịt mát. Động thái này được coi là đánh dấu bước chuyển biến căn bản của ngành chăn nuôi theo hướng tái cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát vừa được công bố, thân thịt lợn sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi trải qua quá trình làm mát bao đảm tâm thịt ở phần thịt dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C, trong thời gian không quá 24 giờ sau khi giết mổ.

Các dạng sản phẩm như cắt miếng hoặc xay được pha lọc thân thịt đã qua quá trình làm mát và thịt trong quá trình vận chuyển, bảo quản ở nhiệt độ 0 đến 4 độ C.

Theo PGS.TS. Phan Thanh Tâm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong quá trình pha lọc hoặc đóng gói, nhiệt độ sản phẩm thịt luôn được duy trì ở mức thấp hơn 7 độ C. Nhiệt độ trong phòng pha lọc và đóng gói luôn được duy trì dưới 12 độ. Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, trong khí đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt.

Hiện trong siêu thị bày bán thịt lợn đóng gói với trọng lượng khoảng 3,5 lạng đến 1kg và để trong tủ mát, người tiêu dùng băn khoăn đây có phải là thịt mát hay không. Theo TS. Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) hiện tại chúng ta chưa xác định được thịt bán ở siêu thị có phải là thịt mát hay không. Tuy nhiên, sau khi tiêu chuẩn thịt mát có hiệu lực, các doanh nghiệp khi dán nhãn thịt mát lên sản phẩm của mình thì phải đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất đúng quy định. Nếu cơ quan kiểm tra, thanh tra nhận thấy quy trình sản xuất không đảm bảo đúng tiêu chuẩn thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Theo nguyên tắc, thịt mát phải đảm bảo yêu cầu cuối cùng là khi đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo thịt đó còn mát. Tuy nhiên, trong tiêu chuẩn quy định về thịt mát đã có yêu cầu rất chặt chẽ như: Ngay sau khi con lợn được giết mổ phải đảm bảo được đưa vào hệ thống làm mát, rồi toàn bộ quá trình pha lóc, đóng gói, đưa đến siêu thị đều phải đảm bảo mát.

Hướng tới xuất khẩu

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của nước ta ngày một tăng (Ảnh TL)

Theo thống kê của Cục chăn nuôi, bình quân mỗi tháng người Việt Nam tiêu thụ không dưới 300.000 tấn thị lợn, và nhu cầu ngày càng tăng đều ở mức độ 6-8% mỗi năm. Ước tính, tổng thị trường thịt lợn của Việt Nam có giá trị không dưới 18 tỷ đô mỗi năm.

Tại Chương 6, Dự thảo Luật chăn nuôi có quy định về tiêu chuẩn giết mổ, trong đó có quy định cụ thể cả về giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung công nghiệp đều phải đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nhà nước cũng có những hỗ trợ cụ thể đối với hình thức giết mổ tập trung để thúc đẩy ngành chăn nuôi nước nhà phát triển.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì muốn ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm thì khâu giết mổ chế biến có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ. Theo thống kê, trên cả nước có khoảng 20.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Một đất nước phát triển bao giờ cũng đưa vào bữa ăn những thực phẩm có chất lượng tốt nhất, tiện lợi nhất. Tiêu chuẩn thịt mát được đưa ra cũng sẽ hành trang chuẩn bị cho con đường xuất khẩu thịt tốt hơn, ông Dương nhấn mạnh.

Tác giả: Minh Phượng

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP