Kinh tế

Thị trường tài chính toàn cầu 'nín thở' trước bầu cử Mỹ

Thị trường tài chính tuần này dự báo biến động mạnh khi giới đầu tư theo sát bầu cử Mỹ và quyết định lãi suất từ Fed, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng cao.

Thị trường tài chính toàn cầu đang bước vào giai đoạn căng thẳng trước thềm bầu cử Mỹ ngày 5/11. Ảnh: iStock.

Theo Reuters, thị trường toàn cầu tuần này sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Do đó, hoạt động giao dịch vào thứ Hai có thể trải qua nhiều điều chỉnh khi nhà đầu tư xem xét cập nhật từ các cuộc thăm dò ý kiến, thông tin, báo cáo lợi nhuận và thay đổi trong chỉ số kinh tế.

Dựa trên diễn biến ngày 1/11, đầu tuần này dự kiến có nhiều biến động, với các tín hiệu chưa rõ ràng.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng vọt, đạt đỉnh trong nhiều tháng do lo ngại về cuộc bầu cử và chính sách tài khóa. Điều này làm đảo ngược mức giảm trước đó do suy yếu tăng trưởng việc làm tại Mỹ, đồng thời giúp đồng USD tăng giá.

Tuy nhiên, Phố Wall lại phớt lờ mọi lo ngại chính trị và thâm hụt ngân sách. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào báo cáo lợi nhuận tích cực quý III và kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 7/11, và có thể thêm 1 lần nữa trong tháng tới, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm.

Tuy nhiên, Reuters cũng đặt ra câu hỏi liệu tâm lý "ưa rủi ro" này có thể duy trì khi cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn 1 ngày nữa sẽ diễn ra và lợi suất trái phiếu toàn cầu đang tăng cao.

MOVE, chỉ số đo lường mức độ biến động của trái phiếu kho bạc Mỹ, hiện đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, trong khi lợi suất trái phiếu Anh cũng đang neo đỉnh.

Các nhà đầu tư cảnh giác với rủi ro lạm phát đã nhanh chóng lấy lại vị thế sau khi chịu tác động từ dữ liệu việc làm yếu vào ngày đầu tháng. Do đó, các nhà giao dịch tại châu Á vào sáng thứ Hai sẽ phải cân nhắc giữa niềm tin vào lợi nhuận tích cực và triển vọng giảm lãi suất của Mỹ, hay phải cẩn trọng với lợi suất tăng cao, đồng USD mạnh và tâm lý căng thẳng trước thềm bầu cử Mỹ.

Tuần trước là khoảng thời gian đầy thách thức đối với thị trường châu Á, khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 4 tuần liên tiếp, với mức giảm 4,9% trong tháng 10, cũng là tháng tệ nhất kể từ tháng 8/2023.

Sau khi thu về 32,2 tỷ USD trong tháng 9, các quỹ ETF cổ phiếu châu Á (trừ Nhật Bản) đã chứng kiến đợt rút vốn mạnh trong 3 tuần gần đây, với tuần gần nhất ghi nhận hơn 4 tỷ USD bị rút ra, theo dữ liệu từ EPFR.

Đáng chú ý, việc rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ Trung Quốc khi sự hào hứng trước các gói hỗ trợ nền kinh tế của Bắc Kinh dần hạ nhiệt.

Tuy nhiên, sự chú ý sẽ lại đổ về Bắc Kinh trong tuần này khi Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc diễn ra từ ngày 4-8/11, với kỳ vọng phê duyệt thêm các biện pháp kích thích tài khóa.

Ngoài ra, các chỉ số kinh tế liên quan đến thương mại và cho vay của Trung Quốc cũng sẽ được công bố trong tuần này. Các điểm nhấn khác gồm quyết định lãi suất của Australia và Malaysia, GDP của Indonesia và Philippines, cùng với báo cáo lợi nhuận của Toyota và Nissan.

Trong khi tài chính thế giới đầu tuần đầy sôi động, thị trường Nhật Bản lại tạm nghỉ vào thứ Hai nhân Ngày Văn hóa. Điều này khiến thanh khoản đồng yen thấp hơn bình thường và có thể gây nhiều biến động, đặc biệt khi phải chịu áp lực tăng lợi suất trái phiếu dài hạn ở nước ngoài.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP