Hải sản tại chợ Hà Tĩnh rất tươi ngon nhưng vẫn kén khách do tâm lý dè dặt. Ảnh: TRẦN TUẤN
Một ngày đánh được 100 tấn cá nục
Tại Quảng Trị, tình hình tiêu thụ hải sản vẫn chưa khá khẩm hơn. Chợ cá Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nằm ngay cạnh cảng cá, trước kia tấp nập bao nhiêu thì bây giờ vắng vẻ. Anh Nguyễn An Tư - cán bộ phụ trách ngư nghiệp thị trấn Cửa Tùng - cho biết, ở chợ cá trước kia có từ 40-50 hộ kinh doanh mặt hàng hải sản, nay chỉ còn 3 người.
“Nếu trước kia hộ nhiều nhất mỗi ngày bán 100kg, thì bây giờ chỉ còn 10kg, nhưng cũng bán không hết vì rất ít người mua” - anh Tư nói. Ở cảng cá Cửa Tùng, 1 tuần trở lại đây không khí tàu thuyền ra vào có tấp nập hơn, đa số tàu thuyền từ 30CV đã ra khơi, đánh bắt cá nục từ khoảng 13 hải lý trở ra. Nhưng cá khi đưa vào bờ, cũng chỉ bán cho thương lái để sản xuất bột cá, hoặc đưa vào lò hấp, sấy chứ ít người mua về ăn.
Cách chợ cá Cửa Tùng khoảng 30km, cảng cá nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong) sôi động hơn, vì số lượng tàu thuyền đánh bắt ở đây lớn. Tiểu thương Võ Văn Nam (xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, đợt này ngư dân đánh bắt được rất nhiều cá nục các loại, nhưng giá rất rẻ, từ 7.000 - 12.000 đồng/kg. “Tôi thu mua rồi bán lại cho các lò hấp cá, hoặc để lại cho các cơ sở xay làm bột cá. Còn người dân thì vẫn dè chừng, 10 người thì chỉ 2 người ăn cá biển thôi” - ông Nam chia sẻ.
Chỉ trong ngày 7.7, ở bờ bắc cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) ngư dân đánh bắt được gần 100 tấn cá nục. Có thuyền chỉ ra khơi 2 ngày, thu về trên 20 tấn cá. Ông Trần Đình Cảm - Chủ tịch thị trấn Cửa Việt - nói rằng, hiện tại giá cả các loại hải sản vẫn “thấp bình thường”, còn các loại hải sản bán ở chợ thì chưa được nhiều.
Cá nước ngọt vẫn chiếm ưu thế
Tại Hà Tĩnh, khảo sát của PV chiều 8.7 tại các chợ Cầu Phủ, Vườn Ươm, đặc biệt là chợ tỉnh Hà Tĩnh (tại TP.Hà Tĩnh), hầu hết đều bán các loại thủy sản nước ngọt như cá trắm, cá mè, cá lóc, cá chạch, tôm nuôi... Các loại hải sản bày bán còn ít và vắng khách.
Tại chợ Hà Tĩnh, gian hàng bán thủy-hải sản rộng khoảng 300m2 nhưng hầu hết đều bày bán cá nước ngọt. Chỉ có khoảng 5-7 người bán hải sản nhưng ít khách đến mua. Chị Lê Thị Hà (55 tuổi, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) buồn bã cho biết, trước thời điểm cá chết, chị bán chỉ một buổi là hết 1 tạ cá biển. Sau thời điểm cá chết nhưng chưa công bố nguyên nhân, bán bình quân ngày được 20kg. Còn từ ngày công bố Formosa xả thải gây nhiễm độc làm cá chết thì càng khó bán hơn.
Để chứng minh lời nói của mình, chị Hà cho biết, sáng nay nướng 6kg cá nục mà đến lúc này (17h) mới bán được 2kg, 5kg cá mu mới bán được 5 lạng, 3kg cá thu mới bán chưa đầy 1kg. Mặc dù đã bán giá thấp hơn trước đây, vẫn khó bán. Ngay cả cá đánh bắt xa bờ như cá nục, người tiêu dùng vẫn e ngại.
Ngư dân Quảng Trị thu hoạch cá nhiều nhưng giá bán thấp. Ảnh: HƯNG THƠ
Tại Quảng Bình, thị trường hải sản vẫn chưa có những nét khởi sắc như kỳ vọng. Tại các chợ, trung tâm thương mại lớn, trước đây tiêu thụ lượng hải sản rất lớn, nhưng nay các loại thực phẩm như thịt, cá nước ngọt vẫn chiếm ưu thế. Ngư dân đã ra khơi trở lại, song chưa nhiều do sức mua chưa trở lại bình thường.
Ghi nhận tại Thừa Thiên - Huế, sau một thời gian ưu tiên sử dụng các loại hải sản nước lợ được nuôi và đánh bắt trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, người dân đã bắt đầu sử dụng trở lại các loại hải sản biển. Tại chợ Trường An, Đông Ba và An Cựu… đã có rất nhiều tiểu thương bày bán các loại cá, mực xa bờ. Bà Hoa (tiểu thương chợ Trường An) nói: “Tui trở lại bán cá biển đã hơn một tháng nay. Thời gian đầu ế rề, nhiều bữa bán không hết cá, nhưng bây giờ dân mình đã bắt đầu ăn trở lại, lượng người mua cũng đã bằng sáu, bảy phần so với trước”.
Trên tay xách con cá ngừ hơn 1kg, bà Mai Thị Thủy cho biết: “Nói thật chứ nhà tui nghỉ ăn cá hơn một tháng mà thấy thiếu thốn và thèm lắm. Rồi nghe đài, xem báo, người ta nói cá xa bờ an toàn nên tui mua về ăn, không thấy có biểu hiện chi lạ nên an tâm. Chừ thì gần bờ cũng ăn, nhưng chỉ ăn những con cá sống ở tầng nổi thôi”.
Hơn tuần nay, các nhà hàng tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lượng du khách dùng hải sản đã tăng trở lại. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhà hàng Như Ý - cho biết, trước và sau thời điểm công bố nguyên nhân cá chết, tình hình tiêu thụ hải sản tại nhà hàng ông không có nhiều biến động. “Bây giờ, người dân mình, du khách đến đây đã ăn mực, cá nhiều hơn chứ không còn tâm lý e dè, xuống biển gọi món rừng như trước nữa” - ông Tuấn nói.
Tại Nghệ An, tình hình tiêu thụ hải sản cơ bản đã trở lại bình thường. Tại Cửa Hội (TX.Cửa Lò), lượng người ăn hải sản tại các nhà hàng ven biển rất
tấp nập.
Tiếp tục duy trì các điểm bán hải sản an toàn |
Tác giả bài viết: NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ