Trong lần đầu tiên đăng đàn với các doanh nghiệp (DN) trong ngành bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động tháo gỡ cho DN BĐS những vướng mắc chính sách, đồng thời đề nghị các DN gửi thẳng "tâm thư" cho Bộ trưởng.
Theo ông Hà, hiện có sự lệch pha trong nguồn cung. Nguồn cung căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nếu thực hiện hết các dự án BĐS thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp. Trong khi đó nguồn cầu lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà thu nhập thấp.
Lệch pha nguồn cung, nhà giá rẻ khan hiếm
Bên cạnh đó, dù tốc độ tăng dư nợ tín dụng vẫn giới hạn ở mức 8%. Tuy nhiên, phần lớn tín dụng lại chỉ tập trung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung 1 số nhà đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như không kiểm soát tốt tài chính.
Thị trường BĐS đang có xu hướng thừa căn hộ cao cấp, thiếu căn hộ giá rẻ
Đặc biệt, dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp, đã bắt đầu có đầu cơ, dự án tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao hơn rất nhiều. Đây là kết quả của đầu cơ, của một số đơn vị bán hàng đẩy giá. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chưa phải phổ biến.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam lượng giao dịch trên thị trường BĐS tăng đều từ đầu năm đến nay. Tổng số giao dịch tại Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 15.300 giao dịch, so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015, song chất lượng giá trị giao dịch cao hơn.
Giá BĐS tăng 3-7% có cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 3-5%. Hàng tồn kho hiện còn 37.489 tỷ so với cùng kỳ 2015 là 67.443 tỷ VND. FDI vào thị trường BĐS có 25 dự án mới và giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD tăng vốn với cùng kỳ năm 2015 là 7 dự án và tổng vốn 465,5 triệu USD.
Theo ông Nam, hệ thống chính sách về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào thực tế. Các doanh nghiệp lớn vẫn đang là các doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng thị trường. Tuy nhiên thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại.
"Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển, thông tin trên thị trường chưa có sự đầy đủ, hệ thống toàn diện, năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính và năng lực quản lý, phát triển dự án...Để khắc phục nguy cơ này, tiếp tục cần đến nỗ lực của Hiệp hội và Bộ Xây dựng", ông Nguyễn Trần Nam nói.
Ông Nam nói thêm: Cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại. Phân khúc nhà ở cho thuế chưa có điều kiện phát triển. thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện. Năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính quản lý và triển khai các dự án.
Doanh nghiệp vẫn phải tiếp 3 đoàn thanh tra liên tiếp
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho rằng: Hiện quy định 20% đất của dự án để làm nhà ở xã hội, nhưng mâu thuẫn trong trường hợp dự án cắt 20% đất làm trường học, đề nghị cần có sự bổ sung giảm tải cho doanh nghiệp. Vô hình chung nhiều dự án có đơn giá đất cao, cái này là sự vô lý. Nên xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, những dự án nào có trường học nên bỏ quy định cắt 20% cho nhà ở xã hội.
Theo ông Hiệp, vấn đề gây nhũng nhiễu của thanh tra đối với DN vẫn còn. “DN chúng tôi phải tiếp 3 đoàn Thanh tra liên tục, như Thanh tra của Cục thuế, Thanh tra Thành phố, Thanh tra quận Hoàng Mai, mặc dù Thủ tướng đã có yêu cầu trong cùng 1 thời điểm chỉ nên có 1 đoàn thanh tra”, ông Hiệp nói.
Theo ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cho hay: có một số khó khăn trong kinh doanh nhà ở xã hội như dự án nhà ở xã hội, luật yêu cầu chủ đầu tư phải công bố giá trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra như giá thép tăng. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng có biện pháp để nguồn cung, giá nguyên vật liệu cho dự án nhà ở xã hội ổn định.
"Vấn đề dự án nhà ở xã hội được dành 20% cho phần thương mại. Hiện nay, luật yêu cầu nhà bán ra phải có bảo lãnh, 80% dự án là nhà ở xã hội chúng tôi đã bán hết, 20% phần thương mại còn lại khó bán vì ngân hàng không bảo lãnh 20% này, họ chỉ chấp nhận bảo lãnh cả dự án. Điều này thực sự gây khó cho doanh nghiệp", ông Tuấn nêu.
Trả lời các kiến nghị của DN, ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng cho hay: Về 20% quỹ đất cho phát triển NƠXH, có ý kiến cho rằng NƠXH đang thừa nhưng thực sự thì phân khúc này đang thiếu rất nhiều. Do vậy, vấn đề này cần thực hiện nghiêm.
“Trong Luật đã mở theo hướng linh hoạt hơn, có thể dành quỹ đất phát triển NƠXH hoặc quỹ sàn nhà cho NƠXH hoặc đóng góp bằng tiền để chính quyền đầu tư dự án khác nếu quy mô dự án không lớn. Những thắc mắc liên quan đến vướng mắc trong việc bảo lãnh quỹ dịch vụ thương mại 20% cũng như cấp sổ đỏ, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với NHNN để tháo gỡ”, Thứ trưởng Duy nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, vấn đề cải tạo chung cư cũ rất phức tạp, khó khăn. Bộ đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ bằng pháp luật nhưng vẫn khó khăn trong công tác đền bù thỏa thuận với người dân và lựa chọn một hay nhiều chủ đầu tư. Sắp tới đây, Bộ Xây dựng sẽ phải làm việc với TP Hà Nội và TP HCM, nơi có số lượng nhà chung cư cũ lớn cần phải cải tạo, để xem xét những vướng mắc.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền