Ngay từ khi áp thấp mạnh lên và hình thành bão trên Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời tới từng Bộ, ngành, địa phương về công tác ứng phó bão số 3.
Đặc biệt, Thủ tướng chú trọng công tác dự báo về đường đi, sức gió của bão để người dân chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng ngư dân Thanh Hóa kéo bè che chắn thuyền, sẵn sàng ứng phó bão số 3.
Công điện khẩn của Thủ tướng được truyền tới từng địa phương. Mệnh lệnh di dời dân, tàu thuyền về nơi an toàn của người đứng đầu Chính phủ được thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương. Thậm chí, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nơi tâm bão đổ bộ dừng tất cả những cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 3.
Chưa hết, ngay khi bão tan, tối 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là và chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão số 3.
Từ ngày 18-19/8, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trọng điểm dự kiến bão sẽ đổ bộ.
Hình ảnh Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đội mưa đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mặc áo mưa cùng đoàn thị sát chỉ đạo tại Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xắn tay kéo bè cùng ngư dân Thanh Hóa; che chắn thuyền, hướng dẫn người dân Ninh Bình sẵn sàng ứng phó bão những ngày qua có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất – là tình người ấm nồng trong mưa bão.
Để người dân yên lòng, các Phó Thủ tướng luôn nhấn mạnh "an toàn của người dân là trên hết". Đồng thời, để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Và, rõ ràng, thiệt hại đã giảm ở mức tối đa, một phần cũng nhờ chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ.
Việc trực tiếp xuống địa bàn, xắn tay cùng nhân dân tìm cách ứng phó với bão số 3 không phải bây giờ mới có. Ở các lãnh đạo Chính phủ tiền nhiệm, chúng ta cũng từng thấy sự gần gũi, thân thương ấy.
Và, tác phong gần dân, không ngại nguy hiểm, trực tiếp cùng người dân đón bão với tâm thế chủ động, quyết liệt đã tạo sự xúc động mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là nhân dân vùng mưa bão.
Thời đại nào, người dân cũng cần một Chính phủ thiết thực, vì dân như thế. Hoàn cảnh nào, Chính phủ cũng sát cánh cùng nhân dân, để cái gồng mình đón bão vừa thêm sức mạnh lại bớt nhọc nhằn, hoang mang. Để những thiệt hại, tan hoang sau bão sớm được khôi phục nguyên lành. Để cơm no, áo ấm, người dân đi qua tâm bão lại tiếp tục vững niềm tin vào Chính phủ của mình.
Xung kích trên mặt trận ứng phó bão số 3 một lần nữa khẳng định Chính phủ thực sự “hành động, phục vụ nhân dân”, đúng như lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức.
Bão lũ qua đi nhưng tình người còn đọng lại. Cái xắn tay kéo bè của Phó Thủ tướng như sợi dây vô hình kéo gần khoảng cách giữa Chính phủ và nhân dân. Hình ảnh đội mưa thị sát thực tế, chung tay cùng nhân dân ứng phó bão của các Phó Thủ tướng cũng như sự quyết liệt trong từng chỉ đạo của Thủ tướng giúp gắn chặt tình đoàn kết trong nhân dân, người dân thêm tin yêu vào Chính phủ.
Đó cũng là những hình ảnh đẹp còn mãi với thời gian!
Một số hình ảnh lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, thị sát ứng phó bão số 3:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 3.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tại tuyến đê biển Kim Sơn, Ninh Bình. (Ảnh VGP).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra neo đậu thuyền, sơ tán dân đến nơi an toàn tại Tiền Hải, Thái Bình. (Ảnh VGP).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra phòng chống bão số 3 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. (Ảnh Báo Hải Phòng).
Tác giả bài viết: Thu Dương