Có người đi bán vé số bị giật, có người bị con cái bỏ rơi, lại có người quá nghèo khổ... Nơi đó lại có một thanh niên không xô bồ với cuộc sống hào nhoáng nơi thị thành mà lùi về với khoảng lặng ven đô, dành tình cảm lo cho các bà như người thân của chính mình.
Người cháu không thân thích Ngôn Đức Thắng lo đủ đầy cuộc sống cho các bà. |
Tám năm rồi từ ngày người chồng mãi ra đi, bà Trần Thị Mười (ngụ thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) phải sống trong sự cô quạnh, nghèo khổ không người thân, con cái để tựa vào. Vừa qua, người phụ nữ từng chỉ thấy cuộc đời là một gam màu tối này đã tìm được ánh sáng cuộc đời ở cái tuổi 80 khi biết đến người thanh niên tên Ngôn Đức Thắng.
Bà Mười kể, bà biết đến anh Thắng qua người hàng xóm có con bị tai nạn nhưng không có điều kiện chạy chữa. Anh Thắng đã tìm đến gia đình này hỗ trợ tiền phẫu thuật, giữ lại mạng sống cho người con. Đặc biệt, tại TP. Cần Thơ, Thắng còn có một “chốn” dành cho những mảnh đời bất hạnh như bà là ngôi “Nhà chung” nên bà xin về ở.
Nửa tháng sống trong ngôi “Nhà chung”, người phụ nữ trước đây chỉ biết khóc để thu ngắn lại màn đêm lạnh lẽo mỗi khi đau ốm đã tìm lại được niềm vui. Cái khoảng trống thiếu thốn về vật chất và tinh thần ngày nào đã được lấp dần lại bằng sự chăm nom của người cháu không thân thích và tình cảm từ những người bạn cùng số phận nơi đây.
Xúc động trước tình cảm của anh Thắng dành cho mình bà Trần Thị Mười chia sẻ: "Lúc trước không ai lo cho tôi, bà con hàng xóm nhiều khi phải chở đi bệnh viện. Sau đó, cậu Thắng cho ở, cậu Thắng là người tốt, còn trẻ tuổi mà biết làm phước. Cám ơn cậu Thắng nuôi dưỡng lúc tuổi già, tôi cảm giác còn hơn cả con cháu trong nhà".
"Nhà chung" hiện có 8 cụ bà bất hạnh nương nhờ. |
Trong “Nhà chung” hiện có 8 cụ bà đang sống. Người lớn nhất là bà Nguyễn Thị Thêu năm nay đã 84 tuổi. Chắc có lẽ, bà Thêu là người nhớ ơn Ngôn Đức Thắng nhất vì khi bà cùng cực, chính anh đã qua tận căn chòi rách ở miền quê huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) rước bà về “Nhà chung”.
Bà Thêu chia sẻ: Về với “Nhà chung” bà không phải lo trời mưa tạt ướt không có chỗ ngủ nữa. Hằng ngày, Thắng đưa tiền cho các bà đi chợ nấu cơm, có rau có thịt nên không phải lo đến cái đói như trước. Lâu lâu được Thắng mang về cho bộ quần áo mới, khăn mặt mới. Thi thoảng có bạn, Thắng lại thăm khám bệnh, cho thuốc cao huyết áp.
Bà Thêu còn bộc bạch: "Hàng tháng Thắng cho các bà mỗi người 200.000 đồng mua vật dụng cần thiết. Tuổi già sức yếu bà không thể tự cắt móng tay cho mình và cũng chính Thắng làm giúp bà. Thắng quý bà lắm, thương bà nhất. Thắng như thằng cháu ngoại vậy. Bà rất biết ơn Thắng".
Chúng tôi ngồi trong ngôi “Nhà chung” nghe kể về số phận cuộc đời những con người quá đỗi khó khăn, lại càng thấy khâm phục nhiều hơn việc làm thiện nguyện của người thanh niên chưa tới tuổi 30.
Những cụ bà nơi đây cùng cực nhưng họ đã tìm thấy được ánh sáng đoạn cuối cuộc đời nơi "Nhà chung". |
Thắng cho biết, anh sinh ra trong gia đình nghèo tại tại huyện Gò Quao (Kiên Giang). Từ nhỏ để đảm bảo cuộc sống và chuyện học hành anh đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người. Nhận của ai cái gì anh luôn nhớ nên từ thời sinh viên, lúc rảnh rỗi anh lại tham gia các hoạt động từ thiện như một cách trả ơn những người giúp mình.
Cậu sinh viên trẻ tuổi khi đó đã nhận ra rằng, trong tất cả những người khó khăn thì các cụ bà là người yếu đuối, đáng thương và ít người quan tâm tới nhất. Sau này khi đi làm, quen biết nhiều người có cùng thiện ý muốn giúp đỡ người khác như mình, Thắng đã đứng ra quyên góp hỗ trợ các cụ bà cơ nhỡ.
Ban đầu mọi người chủ yếu ủng hộ bằng vật chất như quần áo, thuốc thang, gạo,... có được cái gì người thanh niên chạy tới trao cho các bà cái đó. Sau này, việc làm thiện nguyện đến đúng những mảnh đời bất hạnh đó được nhiều người biết đến hơn và các mạnh thường quân rộng lòng quyên góp tiền bạc hỗ trợ nhiều hơn.
“Nhà chung” - tổ ấm của các bà đang ở cũng được xây dựng nên từ những tấm lòng thơm thảo đó. Tiền xây nhà được anh Thắng quyên góp qua làm các chương trình ca nhạc từ thiện. Mảnh đất để xây dựng căn nhà do một doanh nghiệp ở Cần Thơ cho. Vào tháng 4 năm ngoái khi căn nhà hoàn tất, anh Thắng đã mời những người đóng góp tới để cùng chia sẻ niềm vui. Họ cùng đặt tên cho ngôi nhà là “Nhà chung” vì nó không thuộc của riêng ai. Tại đây, anh Thắng cũng nhất quyết trao lại chủ doanh nghiệp đã cho đất nhận lại giấy tờ căn nhà này, vì anh xin đất để làm nhà cho những người nghèo khó chứ không phải xin cho anh.
Bà Trần Thị Mười xúc động kể lại cuộc sống đầy khó khăn ngày trước. |
Nói về việc luôn sẵn lòng cưu mang những cụ bà khó khăn, anh Ngôn Đức Thắng tâm sự: "Ngày xưa thời còn khó khăn, tôi hay được đoàn từ thiện xuống cho gạo, giúp đỡ. Tôi nhận được sự giúp đỡ từ họ nên sau này tôi nghĩ là có điều kiện sẽ giúp đỡ lại những người khó khăn khác. Do đó, bây giờ tôi làm được cái gì sẽ làm hết sức. Kẻ rách áo thì thương người áo rách. Cứ thấy các bà ở ngoài đường tôi thấy rất tội".
Hiện nay, ngoài chăm lo cho 8 cụ bà ở “Nhà chung”, anh Thắng còn chu cấp 300.000 đồng/người/tháng cho 15 cụ bà có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh thành khác. Bằng những việc làm cụ thể từ sự sẻ chia của những mạnh thường quân, người thanh niên trẻ tuổi vẫn đang tận tâm lo cho các cụ bà sống an lành những năm tháng cuối đời.
Tác giả: Trần Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV-ĐBSCL