Kinh tế

Thanh Hoá đề xuất làm đường bộ ven biển 3.077 tỷ đồng theo hình thức BOT

Trong đó vốn đầu tư nhà nước sẽ chiếm khoảng 2.154 tỷ đồng (70%) trong tổng mức đầu tư; vốn nhà đầu tư huy động 923 tỷ đồng. Theo đề xuất, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tối thiểu là 20% phần vốn nhà đầu tư huy động.

UBND Thanh Hoá đề xuất xây dựng 2 đoạn tuyến đoạn Hoằng Hoá – Sầm Sơn và Quảng Xương – Tĩnh Gia theo hình thức BOT.

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Hoằng Hoá – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Trước đó tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hoá dài 96km đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 129 với quy mô đường cấp III, chiều rộng tối thiểu 12m.

Hiện các đoạn đã đầu tư và có chủ trương đầu tư có chiều dài 45km với tổng mức đầu tư khoảng 3.980 tỷ đồng. Cụ thể gồm đoạn Sầm Sơn – Quảng Xương đang triển khai thi công với chiều dài 17km, tổng mức đầu tư 1.480 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Còn đoạn qua khu đô thị trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia đang được triển khai các thủ tục đầu tư trong dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực từ nguồn vốn vay WB. Đoạn này có chiều dài 10km, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Đoạn qua khu kinh tế Nghi Sơn có chiều dài 18km, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, đã được đầu tư hoàn thành.

Như vậy, các đoạn còn lại chưa có quyết định chủ trương đầu tư có tổng chiều dài 51km, bao gồm: đoạn Nga Sơn – Hoằng Hoá dài 26,08km; đoạn Hoằng Hoá – Sầm Sơn 10,5km; đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia dài 14,5km.

Trong đó, UBND Thanh Hoá đề xuất xây dựng 2 đoạn tuyến đoạn Hoằng Hoá – Sầm Sơn và Quảng Xương – Tĩnh Gia theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.077 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước khoảng 2.154 tỷ đồng (70%); vốn nhà đầu tư huy động 923 tỷ đồng. Theo đề xuất, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tối thiểu là 20% phần vốn nhà đầu tư huy động.

UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, nếu các đoạn này được đầu tư theo hình thức PPP có nhiều lợi thế như huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực nguồn vốn nhà nước; phân chia rủi ro hợp lý giữa nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, khai thác; tận dụng thế mạnh từ khối tư nhân…

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP