Kinh tế

Thanh Chương: Giải pháp nào chống hạn cho cây chè?

Trong đợt hạn hán năm 2015, hơn 1000ha chè ở Thanh Chương đã bị chết cháy, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất chè của toàn huyện. Đầu hè năm nay, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua cũng đã làm nhiều diện tích chè bị chết cháy.

Là một trong những hộ gia đình chịu thiệt hại nặng về năng suất chè trong năm 2015, gia đình ông Phan Đình Tùy (Hạnh Lâm - Thanh Chương) hiện có khoảng 3,5ha, nhưng đợt nắng nóng vừa qua đã khiến gần 1ha chè bị cháy và ảnh hưởng.
images1299486 che2
Những lá chè chết cháy vì nắng nóng

Ông cho biết: Nếu cứ như thế này thì e rằng lượng chè thu hoạch cho vụ tiếp sẽ rất ít. Chúng tôi ngày đêm lo nghĩ về chuyện này, tìm nhiều cách khắc phục. Hiện tại, chúng tôi cố gắng tưới nhỏ giọt, để cứu gốc chứ ngọn thì chắc không có hy vọng.

Cũng tại xóm 1 xã Hạnh Lâm, không chỉ gia đình ông Tùy mà nhiều diện tích chè của hàng chục hộ gia đình khác đều bị cháy lá và có khả năng chết cháy. Theo thống kê ban đầu, trong đợt nắng nóng vừa qua, toàn xã Hạnh Lâm đã có khoảng 8ha chè bị cháy lá trên tổng số 320ha.

Đây là diện tích chè được trồng ở xa nguồn nước, tuy nhiên, để cứu diện tích chè bị cháy, các hộ dân nơi đây cũng chỉ biết ngăn giữ lượng nước ít ỏi ở các khe suối để bơm tưới và trông chờ vào trời mưa.

images1299487 che4
Những người nông dân bất lực nhìn ruộng chè chết cháy

Theo ông Đặng Hữu Hạnh - Phó chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm - Thanh Chương: Giải pháp của xã đưa ra là tiếp tục tuyên truyền bà con dùng các biện pháp thủ công. Về phương pháp khoa học kỹ thuật thì chúng tôi đang trình lên, nhưng các nguồn vốn của cấp trên hỗ trợ tưới chống hạn cho bà con không có, bà con thì khó khăn. Trong lúc đó, năm 2015, hạn hán làm ảnh hưởng đến năng suất cây chè, tác động thị trường làm giá búp chè của dân thấp nên cây chè cũng được không mặn mà đầu tư cho lắm.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về diện tích chè bị cháy lá và héo trên địa bàn toàn huyện Thanh Chương. Thực tế cho thấy vùng bị cháy tập trung ở các xã Hạnh lâm, Ngọc lâm, Thanh An, Thanh Mai... Để ngăn chặn việc gia tăng các diện tích chè bị khô lá và chết, nhiều hộ dân và chính quyền địa phương Thanh Chương đã đưa ra nhiều giải pháp thủ công khác nhau như: ngăn giữ nước ở các dòng suối rồi bơm chuyền để tưới, lắp đặt các hệ thống bơm tưới tự động... tuy nhiên vẫn rất khó khả thi khi nắng nóng kéo dài làm cạn kiệt nguồn nước.

images1299488 che3
Người dân bơm chuyền nước từ suối để "cứu chè", nhưng đây chỉ là giải pháp thủ công, không lâu dài

Ông Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay: Tùy vào từng điều kiện cụ thể của từng đồi chè mà huyện có các giải pháp khác nhau. Trong tương lai gần, phải chú ý các giải pháp lâu dài là trồng các cây che bóng và các cây phân xanh, cây họ đậu để cải tạo đất và tăng thêm độ đạm cho cây chè.

Cây chè được xem là cây trồng chủ lực của huyện Thanh Chương. Với diện tích trên 4.300 ha, sản lượng bình quân trung bình từ 13,5 đến 13,7 tấn/ ha/ năm, tổng giá trị từ cây chè của huyện đạt khoảng 160 tỷ đồng mỗi năm...

Nhiều diện tích chè bị chết đã được khôi phục lại, nhiều giải pháp chống hạn cho cây chè cũng đã được đặt ra, tuy nhiên Thanh Chương vẫn rất cần một giải pháp đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với cây chè trong điều kiện nắng nóng đang diễn ra gay gắt như hiện nay.

Tác giả bài viết: Bùi Thọ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP