Xã hội

Thái Bình di dời 150ha rừng, hàng trăm gia đình 'mất' đất canh tác?

Liên quan đến đến việc xin di dời 150 ha rừng, Thái Bình cho biết đã có phương án trồng rừng thay thế từ năm 2014. Nguồn vốn để thực hiện dự án trồng mới là gần 45 tỷ đồng từ ngân sách.

Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình) Đặng Văn Thái cho biết, dự án lấn biển để tạo quỹ đất 320ha nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư....

150ha rừng phòng hộ nằm trong dự án sẽ được trồng mới, trồng bổ sung với chi phí ngân sách 45 tỷ đồng.

Trong phương án này, gần 150ha rừng ngập mặn sẽ bị di dời, chủ yếu là rừng bần trên dưới 30 năm tuổi. Phương án trồng rừng thay thế đã được BQL các dự án về nông nghiệp xây dựng và được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Thái khẳng định, không phải đến khi bắt đầu xây dựng đề án này, việc trồng rừng thay thế mới được tính đến. Từ 3 năm trước (năm 2014), Thái Bình đã trồng mở rộng tại khu vực này theo hướng mở rộng ra phía biển.

Ông Thái cũng giải thích, ngay cả các chuyên gia được mời lấy ý kiến tham vấn về dự án, nhiều người cũng rất lo lắng về việc, nếu chặt bỏ toàn bộ 150ha rừng cũ rồi mới trồng lại (tính từ chân đê mới) sẽ ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái trong khu vực biển Thái Thụy.

Về phương án thay thế 150ha rừng, Trưởng BQL các DA Nông nghiệp cho biết, sẽ trồng loài cây bần chua, chiều cao từ 1,2-1,5m, đường kính cổ rễ từ 2-3cm; tuổi cây từ 20-30 tháng, cây sống khỏe, không bị sâu bệnh, có đủ cành nhánh cấp độ 3…

Ông Đặng Văn Thái, GĐ BQL dự án đầu tư NN&PTNT (Sở Nông nghiệp tỉnh Thái Bình)


Tuyến đê biển Xuân Hải thuộc hai xã Thụy Xuân, Thụy Hải (huyện Thái Thụy) sẽ được nắn với chiều dài 5km

Mật độ rừng trồng mới là 2.500 cây/ha, sẽ tiến hành trong thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 là thời điểm thích hợp để trồng rừng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành trồng trả lại đủ diện tích rừng phòng hộ bị lấy mất.

354 gia đình phải bàn giao lại đất đang canh tác?

Nếu được chấp thuận chủ trương, 354 hộ gia đình sẽ phải bàn giao toàn bộ diện tích đất bãi mà họ đang canh tác, nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay.

Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Nguyễn Dương Luân cho biết, người dân hoang mang khi nghe tin về dự án này.

“Thụy Hải là xã không có đất nông nghiệp. 100% người dân sống bằng nghề gắn với biển, trong đó có 297/1.520 hộ dân của toàn xã mưu sinh bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản; các hộ khác thì làm muối hoặc các nghề dịch vụ liên quan đến chế biến thủy hải sản.

Nếu như bị thu hồi toàn bộ diện tích này, điều người dân lo lắng là tới đây họ không biết mưu sinh bằng cách gì”, Chủ tịch xã Thụy Hải thẳng thắn.

Theo ông Luân, trước đây, các hộ dân thuộc xã Thụy Hải có hợp đồng thuê đất đầm bãi ven biển do huyện là đơn vị cho thuê, thời hạn từ 13 – 17 hoặc 20 năm. Tuy nhiên, khi có chủ trương về dự án nâng cấp tuyến đê biển số 8 và di dời toàn bộ 150ha đất rừng ngập mặn, chủ yếu nằm trên địa bàn xã Thụy Hải, việc cho thuê đất đầm bãi được tiến hành cho thuê theo thời vụ.

“Phương án thu hồi 109ha đất đầm bãi ven biển của Thụy Hải và khoảng 50ha đất ven biển của xã Thụy Xuân là không đền bù, chỉ hỗ trợ di dời, hỗ trợ công sức cải tạo đầm bãi của người dân và tài sản trên đất thu hồi. Điều đó cũng khiến bà con lo ngại” – ông Luân nói.

Chủ tịch xã Thụy Hải cho biết, hiện tại UBND huyện Thái Thụy – đơn vị được tỉnh Thái Bình giao nhiệm vụ lên phương án an sinh đang trong giai đoạn lập phương án, sau đó sẽ lấy ý kiến đông đảo người dân.

Chủ tịch xã Thụy Hải cho hay, nhiều năm qua, việc nuôi trồng thủy hải sản của người dân địa phương chủ yếu theo hình thức quảng canh. Nghề muối của xã nhiều năm qua không mang lại hiệu quả kinh tế do giá muối thất thường và chịu sự cạnh tranh của muối từ các tỉnh miền Trung đưa ra.

Liên bộ đồng tình

Chủ trương xin di dời, chuyển đổi gần 150ha đất rừng phòng hộ của Thái Bình đã được Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT đồng tình chấp thuận.

Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Nguyễn Dương Luân

Tại buổi làm việc tại trụ sở Bộ TNMT ngày 6/12/2016 giữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đồng ý với chủ trương chuyển dịch diện tích rừng phòng hộ nêu trên của Thái Bình trên cơ sở phải bảo tồn nguyên vẹn diện tích, chất lượng, giá trị của rừng ven biển để đảm bảo hệ sinh thái của khu vực.

Cùng ngày, Bộ TNMT ra thông báo số 115 nêu kết luận của Bộ trưởng.

Bộ trưởng yêu cầu, tỉnh phải đưa phần diện tích rừng di dời này vào Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 – 2020) của tỉnh; xây dựng kế hoạch dịch chuyển; xây dựng kế hoạch dịch chuyển rừng phòng hộ để bảo đảm đủ diện tích và chất lượng của rừng phòng hộ hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 7/12/2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký văn bản số 10349 về việc thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 149,1ha rừng phòng hộ sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để phát triển kinh tế xã hội như đề nghị của tỉnh.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Thái Bình hoàn tất những yêu cầu về thủ tục hồ sơ để trình xin các cấp có thẩm quyền theo trình tự.

Tác giả: Kiên Trung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP