Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga tham gia tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông
Sau 3 ngày chuẩn bị ở TP.Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, 2 hạm đội Trung Quốc và Nga hôm 15.9 bắt đầu di chuyển ra Biển Đông tập trận cho đến ngày 19.9. Tham gia cuộc tập trận chung mang tên Joint Sea 2016 có tổng cộng 13 tàu nổi, 2 tàu ngầm, 11 máy bay cánh bằng, 10 trực thăng, một số thiết bị đổ bộ cùng 256 lính thủy đánh bộ, theo Tân Hoa xã.
Đổ bộ chiếm đảo
Theo kế hoạch, 2 bên tiến hành diễn tập chống tàu ngầm, phòng không, đổ bộ chiếm đảo, tìm kiếm cứu hộ, kiểm tra và sử dụng vũ khí. Đỉnh điểm của đợt tập trận là một cuộc đổ bộ và tấn công từ trên không để đánh chiếm một hòn đảo, theo Đài RT. Hải quân Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận nhằm tăng cường hợp tác và không nhắm vào nước nào; còn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hoạt động này nhằm hỗ trợ tăng cường ổn định ở khu vực.
Thực tế là cuộc tập trận chung lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phủ nhận phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”, còn Nga đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh đối với phán quyết. Do đó, một số nhà quan sát cho rằng thông qua cuộc tập trận, Trung Quốc muốn lập lờ rằng có một cường quốc như Nga đứng về phía mình trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Moscow dành cho Bắc Kinh chỉ gói gọn trong vấn đề phán quyết của tòa với hàm ý phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào châu Á - Thái Bình Dương và đối tượng chính ở đây là Mỹ. Nga vẫn rất thận trọng trong việc tỏ thái độ liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông và không muốn để dư luận hiểu rằng mình về phe Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, đó là lý do khu vực tập trận nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, không thuộc vùng tranh chấp và Nga chỉ huy động một số tàu chiến cũ từ thời Liên Xô tham gia tập trận cũng như không mang đến tàu ngầm.
Mặt khác, tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau chỉ ra rằng hệ thống thông tin chung mà 2 bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn cho việc trao đổi radar và dữ liệu sonar. “Hệ thống này không cung cấp kết nối dữ liệu chiến thuật, tức đường dây liên lạc được chuẩn hóa qua sóng vô tuyến mà các đồng minh quân sự sử dụng. So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga”, ông Wong nhận định.
Nhật tăng cường hiện diện
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada hôm qua chỉ trích Trung Quốc phủ nhận phán quyết và quân sự hóa Biển Đông. “Những hành động này cho thấy Trung Quốc cố tình đơn phương thay đổi hiện trạng, tạo ra việc đã rồi và phá hoại những chuẩn mực phổ biến”, Kyodo News dẫn lời bà Inada nói.
Nữ bộ trưởng cảnh báo nếu thế giới chấp nhận những ý đồ “bẻ cong pháp luật” thì “hậu quả có thể trở thành vấn đề toàn cầu”. “Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ mạnh mẽ những chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ. Về phần mình, Nhật sẽ gia tăng vai trò ở Biển Đông thông qua tham gia tuần tra huấn luyện chung với Mỹ, tập trận song phương và đa phương với các nước khu vực”, Bộ trưởng Inada tuyên bố.
Bà cho biết thêm Nhật cũng sẽ tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cho những quốc gia ven biển Biển Đông. Đáp lại, hải quân Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ hoan nghênh Nhật mở rộng hoạt động ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp nâng cao nỗ lực hợp tác song phương để đóng góp cho an ninh và ổn định của khu vực”.
Philippines chưa đàm phán song phương với Trung Quốc |
Tác giả bài viết: Văn Khoa