Trong nước

Tất cả bộ, ngành phải có kịch bản tăng trưởng trước 15.3

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết khi chủ trì buổi họp báo Chính phủ chiều 1.3, ngay sau khi phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 kết thúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2018. ẢNH: TTXVN

Thông tin về nội dung cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đánh giá tình hình tháng 2, Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế - xã hội chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2, tháng có mức tiêu dùng cao, tăng 0,73%. Lạm phát cơ bản được kiểm soát. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 13,4 tỉ USD trong tháng 2 và 2 tháng đạt 33,6 tỉ USD, tăng gần 23%, đặc biệt nông sản xuất khẩu tăng gần 28%. Đáng chú ý, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn khu vực FDI (21,8%). Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, đặc biệt sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 10,1%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỉ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 3,3%). Trong 2 tháng đầu năm, có gần 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30%...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần chỉ đạo khắc phục sớm. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng đạt gần 9% kế hoạch năm. Việc thu hút các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài để chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn đặt ra rất gay gắt. Làm sao sức dân, sức sản xuất trong nước được giải phóng hơn nữa. Một số địa phương vẫn đốt pháo, xảy ra tai nạn giao thông, cháy nổ…

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15.3 các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn phải có kịch bản tăng trưởng và đây là nét mới, rút kinh nghiệm của năm 2017.

Ít ngày nữa có phương án cho BOT Cai Lậy

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc đã quá hạn báo cáo phương án cho BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ đã báo cáo Chính phủ từ giữa tháng 1, với việc đưa ra các phương án khác nhau và sau đó Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án khác.

“Mỗi phương án đều có mặt hạn chế và được. Ví dụ, có phương án dừng thu phí, thì đi kèm là dùng tiền nào để trả cho nhà đầu tư và phải đàm phán lại với doanh nghiệp. Hay phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì cần tính toán lại lượng xe. Hoặc kịch bản thu cả QL1 lẫn tuyến tránh thì thu ở đâu hoàn tiền ở đấy. Ít ngày nữa, chúng tôi sẽ báo cáo lại và có thêm phương án giảm mức phí 30% cho các phương tiện, giảm 100% cho người dân các xã lân cận”, ông Đông nói.

Chưa chốt phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Trả lời báo chí về quan điểm của Chính phủ trước 2 phương án trái ngược trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (phương án do tư vấn nước ngoài đề xuất và phương án của nhóm chuyên gia do Bí thư Thành ủy TP.HCM thành lập), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng sự khác biệt trong nghiên cứu là bình thường. "Hồi kết thế nào thì sẽ còn một phiên nữa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì để nghe quan điểm của Bộ GTVT, của các bên. Thủ tướng cũng đã nghe ý kiến của nhóm nghiên cứu do Bí thư Thành ủy TP.HCM thành lập", ông Dũng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định Bộ GTVT sẽ chỉ đạo tư vấn nước ngoài trao đổi, phản biện với nhóm nghiên cứu của TP.HCM để tiếp thu các luận điểm hợp lý nhằm hoàn thiện, bổ sung vào báo cáo cuối cùng sẽ gửi Chính phủ trong thời gian ngắn tới. Từ đây, Chính phủ quyết định phương án cuối cùng.

Trình Quốc hội việc điều chỉnh vốn 2 dự án metro trước 30.3
Văn phòng Chính phủ hôm qua (1.3) đã phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20.3. Bộ KH-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định. Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ GTVT và dự thảo báo cáo của Chính phủ do Bộ KH-ĐT chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30.3.

Tác giả: CHÍ HIẾU

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP