Tin địa phương

Tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư

Hoạt động thu hồi đất theo quy hoạch nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể cùng nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, chất lượng quy hoạch là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch và tăng hiệu quả thu hút đầu tư cho địa phương.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (bìa phải) chỉ đạo các sở ngành hữu quan sớm triển khai Khu Tái định cư phường An Bình để phục vụ tái định cư cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn.

Cần cơ chế phù hợp

Cơ chế tạo quỹ đất sạch là cơ chế Nhà nước chủ động bỏ vốn thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt rồi giao, cho thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Việc thực hiện cơ chế tạo quỹ đất sạch phải đảm bảo các yếu tố: Là hoạt động ứng vốn để giải phóng mặt bằng mà chưa có chủ đầu tư; thực hiện kêu gọi đầu tư sau khi có quỹ đất sạch; thực hiện giao đất, cho thuê đất theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Cơ chế tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư là một chu trình khép kín về vốn và mang tính tuần hoàn, có sự tham gia của nhiều chủ thể, cùng nhau phối hợp thực hiện nhằm tạo ra một cơ chế thống nhất để thu hút đầu tư thông qua quỹ đất sạch sẵn có. Việc thực hiện thành công công tác giải phóng mặt bằng là điều kiện tiên quyết, có tính mấu chốt. Do vậy, giá đất tính tiền bồi thường cần xác định thỏa đáng, phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường. Giá trị bồi thường thiệt hại phải tương xứng và việc bố trí tái định cư là 2 nội dung quan trọng cần giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án tạo quỹ đất sạch.

Theo các chuyên gia, đất sạch do thu hồi theo quy hoạch đang chịu 2 áp lực lớn là: Quy hoạch không hiệu quả dẫn tới tình trạng đất thu hồi xong nhưng bị bỏ hoang, không thể đưa vào sử dụng do không thu hút được nhà đầu tư; Địa phương không có nguồn kinh phí để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Thời gian qua, nhiều địa phương cấp tỉnh đã thử nghiệm cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch nhưng hiệu quả chưa cao do quy hoạch không tạo được tính hấp dẫn với nhà đầu tư. Các quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất không đảm bảo tính gắn kết, tích hợp. Tình trạng mỗi loại quy hoạch đi theo lợi ích của ngành mình đang xảy ra ở hầu hết các nơi làm cho quy hoạch bị chia cắt và thiếu khả năng thực thi. Phương pháp quy hoạch còn lạc hậu, không quan tâm phân tích chi phí - lợi ích, đánh giá hời hợt giữa nhóm được lợi và nhóm chịu thiệt; chưa tạo được các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, chưa tạo được giá trị tăng thêm từ đất do quy hoạch mang lại.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

TP Cần Thơ đã xây dựng Đề án khai thác quỹ đất giai đoạn 2017-2021 trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng tổng thể của TP Cần Thơ và quy hoạch phát triển kinh tế, ngành, vùng. Thành phố cũng đang triển khai xây dựng các tuyến đường từ nguồn vốn ODA như đường Trần Hoàng Na nối dài, đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918… Đây là cơ hội thuận lợi để đầu tư khai thác quỹ đất 2 bên tuyến đường, góp phần ngăn chặn tình trạng các hộ dân xây dựng nhà ở không phép, trái phép, phân lô tự phát. Khi thành phố đẩy nhanh công tác khai thác tạo quỹ đất sạch sẽ góp phần hỗ trợ nhà đầu tư rút ngắn thời gian đầu tư, triển khai thực hiện các dự án thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Phạm Duy Tín, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Cần Thơ, chia sẻ: Việc phát triển hạ tầng phải gắn với quy hoạch sử dụng đất đai kề bên hạ tầng nhằm thu được phần giá trị đất đai tăng thêm do hạ tầng mang lại để sử dụng chi trả cho phát triển hạ tầng. Đồng thời khắc phục tình trạng không đảm bảo cảnh quan đô thị, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Với mục tiêu này có thể áp dụng một số cơ chế như: Nhà nước thu hồi đất cho phát triển hạ tầng và đất đai kề bên cùng với giải quyết tái định cư tại chỗ; thực hiện dự án góp đất và điều chỉnh lại đất đai; áp dụng cơ chế cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các dự án hạ tầng vì mục tiêu lợi nhuận.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Vấn đề đặt ra là phải nâng cấp chất lượng quy hoạch để quy hoạch có thể mang lại giá trị tăng thêm đối với đất và thu hút được tiền từ nhà đầu tư để thực thi quy hoạch. Như vậy, cơ hội cần nắm bắt trong thực hiện tạo quỹ đất sạch dựa vào quy hoạch là Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua và việc thực hiện Luật Quy hoạch dựa trên nguyên tắc các quy hoạch phải đồng bộ và tích hợp. Phải thay đổi phương pháp quy hoạch theo hướng tin học hóa hệ thống thông tin để phân tích các chi phí-lợi ích, đánh giá chất lượng quy hoạch. Các địa phương có thể áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tốt để quản lý quy hoạch với một đầu mối quản lý thống nhất. Khi quyết định điều chỉnh quy hoạch phải dựa vào các kết quả đánh giá độc lập và khách quan. Đồng thời, phải xử lý nghiêm minh và triệt để đối với mọi hành vi vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt.

Tác giả: MINH HUYỀN

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP