Kinh tế

Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế phát triển với khả năng xuất siêu ở nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản như: gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, tôm, cá tra, các mặt hàng gỗ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp của nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức khi sức cạnh tranh thấp, chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, mức độ đầu tư chưa tương xứng với giá trị mang lại. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải thúc đẩy các hoạt động liên kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển hướng phát triển phù hợp với yêu cầu thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng khả năng hội nhập.

Chế biến cá tra phi lê tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, TP Cần Thơ.

Nhận diện thách thức

Theo các chuyên gia, dù năng lực cạnh tranh được đánh giá không cao nhưng nông nghiệp là ngành có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản. Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, chia sẻ: Ngành nông nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, chưa thực sự sử dụng hiệu quả và phát huy hết các nguồn lực hiện có. Đối với vùng ĐBSCL, dù nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng thực trạng sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.

Dù đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước nhưng sản xuất và đời sống của nông dân còn nhiều bấp bênh. Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Người nông dân muốn làm rau sạch, cá sạch, thịt sạch và chỉ nói sạch chứ chưa nói đến an toàn thì vẫn chưa làm được. Thậm chí khi làm ra những sản phẩm được chứng nhận an toàn thì người tiêu dùng lại không thực sự an tâm. Vấn đề lớn hiện nay là chính sách đối với ngành nông nghiệp chưa thực sự tạo đủ điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân có thể "bơi", năng lực cạnh tranh không cho phép "bơi". Việc tiếp cận kiến thức, kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn xa vời đối với nông dân. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đang tăng lên, hiệu quả sản xuất giảm đi cộng với mùa màng thất bát, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm người dân càng thêm khó khăn.

Thời gian qua, một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chậm đi vào cuộc sống. Nguồn lực để triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Các doanh nghiệp cũng còn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp do rủi ro cao, trong khi nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin thị trường. Theo bà Trương Thị Thu Trang, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, hiện nay, lao động trong ngành nông nghiệp chủ yếu là sản xuất sơ cấp. Năng suất lao động nông nghiệp theo cách tính truyền thống rất thấp so với khu vực công nghiệp - dịch vụ. Do đó, sản xuất nông nghiệp phải được quan tâm từ khâu đầu vào đến khâu chế biến, tiêu thụ, hậu cần, phải kết nối thông tin thị trường. Nhiều khi là khâu sản xuất làm tốt nhưng các khâu sau không tốt sẽ không mang lại giá trị tổng thể cả chuỗi sản xuất.

Bám sát nhu cầu thị trường

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ký kết thực thi và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Yêu cầu của các thị trường đối với sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam cũng liên tục thay đổi theo chiều hướng đa dạng và khắt khe hơn. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trước đây, sản phẩm cá tra của Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu nhưng từ năm 2015 đến 2017, tỷ lệ xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc ngày một tăng. Trước đây, doanh nghiệp đã quen với yêu cầu xuất khẩu cá tra phi lê cũng như cách thức thanh toán ở thị trường Mỹ, châu Âu. Khi chuyển sang xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc sẽ có những yêu cầu đa dạng hơn về sản phẩm. Ban đầu thị trường Trung Quốc có thể chấp nhận cá tra phi lê nhưng về lâu dài sẽ có những yêu cầu mới xuất phát từ nhu cầu nội tại của người tiêu dùng ở thị trường này. Thị trường đang thay đổi doanh nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất, trên cơ sở nghiên cứu thị trường, nghiên cứu hành vi tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp và có cách thức xúc tiến thị trường phù hợp.

Thực tế cho thấy, muốn sản xuất hiệu quả, cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều phải có thông tin thị trường. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho rằng: Cần phải có thông tin thị trường, có đối tác thị trường để tiếp cận thị trường tốt hơn, nhất là khi chúng ta đang gia nhập vào thị trường quốc tế. Muốn giảm chi phí đầu vào không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải hướng đến sản xuất hàng hóa lớn; nông dân phải sản xuất theo quy trình cụ thể thay vì tuân theo phương thức truyền thống. Đồng thời, cần đầu tư tương xứng về hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi nếu có vùng nguyên liệu lớn nhưng hạ tầng không tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến… Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy, kho dự trữ nông sản, đầu tư công nghệ bảo quản để tránh tình trạng trúng mùa mất giá.

Theo bà Trương Thị Thu Trang, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, Nhà nước nên hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Nguồn lực đầu tư công chỉ là vốn mồi để thúc đẩy, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết theo chiều đi của hàng hóa, thông tin thị trường. Nếu thông tin thông suốt, bản thân người sản xuất sẽ biết khách hàng cần gì, thị trường cần gì để có hướng sản xuất phù hợp; bản thân người tiêu dùng cũng có thông tin về nguồn gốc sản phẩm và sẵn sàng trả mức giá cao hơn khi cân nhắc các yếu tố về sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Ngay cả các chương trình hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp cũng phải triển khai theo chuỗi. Bởi khi liên kết cung cấp tín dụng theo chuỗi thì các ngân hàng thuận lợi hơn nhiều và giảm được những rủi ro khi cho vay hộ nhỏ lẻ.

Tác giả: MINH HUYỀN

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP