Giáo dục

Tăng học phí: 'Đòn bẩy' trong tự chủ?

Năm học 2022 - 2023 sắp tới là lúc các bậc phụ huynh, học sinh – sinh viên đau đầu với bài toán “học phí”.

Học phí là mối quan tâm của cả phụ huynh lẫn học sinh.

Tại Hà Nội, dự kiến mức học phí sẽ tăng từ 2 đến 2,5 lần mức trần khi áp dụng quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo lý giải, tăng học phí để tăng đầu tư cho giáo dục. Điều này đồng nghĩa các khoản đóng góp tự nguyện, xã hội hóa lâu nay phụ huynh có giảm? Người học được thụ hưởng ra sao?

Nhiều loại phí ở trường tư

Dự kiến, năm học 2022 - 2023, mức học phí ở một số cấp học tại Hà Nội sẽ tăng gấp đôi. Cụ thể, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông ở các quận, thị xã, thị trấn có mức học phí dự kiến là 300 nghìn đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100 nghìn đồng/học sinh/tháng (riêng bậc THPT là 200 nghìn đồng/tháng); khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số là 50 nghìn đồng/học sinh/tháng (bậc THPT là 100 nghìn đồng/tháng). Các năm tiếp theo, học phí tiếp tục tăng.

Chị Ngô Thị Linh (trú huyện Hoài Đức) bày tỏ sự lo lắng khi nghĩ đến học phí năm học tới của cô con gái chuẩn bị lên lớp 6 sẽ tăng lên 300 nghìn đồng/tháng. Đầu năm học luôn là khoảng thời gian khó khăn về tài chính với gia đình bởi giá cả leo thang mà tiền lương vẫn vậy. Tiết kiệm đến mấy, đầu năm, gia đình cũng mất 2 - 3 triệu đồng. Ngoài cô con gái chuẩn bị lên lớp 6, chị Linh còn một cậu con trai đang học năm 1 đại học.

Chỉ riêng tiền học của các con, mỗi năm, gia đình phải lo liệu khoảng 23 triệu đồng, chưa kể chi phí phát sinh khác. Để chuẩn bị cho năm học tới, ngay từ khi nghe tin học phí cả bậc đại học lẫn phổ thông đều tăng, vợ chồng chị Linh tính đến việc cắt giảm chi tiêu để có tiền đóng học cho con. “Chúng tôi mong thành phố tính toán sao cho mức tăng học phí ở mức hợp lý và phải nâng chất lượng giáo dục xứng đáng với học phí phụ huynh đóng”, chị Linh bày tỏ.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng - trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hai con vào lớp 6 và lớp 10 năm học tới. Tuy nhiên, sức học của con trai lớn ở mức trung bình khá nên khó có cơ hội đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập. Chị đã tham khảo một số trường ngoài công lập để có thể cho con vào học. Điều người mẹ này băn khoăn là đa số các trường THPT tư thục tại Hà Nội đều yêu cầu đóng nhiều loại phí với mức cao. Trong đó có loại phí giữ chỗ lên tới cả chục triệu đồng. Với mức thu nhập từ nghề tự do như vợ chồng chị Hằng thì khó có thể theo được.

Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) quy định phí giữ chỗ là 10 triệu đồng, phí ghi danh 2 triệu đồng, cơ sở vật chất 2 triệu đồng/năm. Trường THPT Archimedes có phí ghi danh 3 triệu đồng, phí hồ sơ 500 nghìn đồng, phí dự thi 1,5 triệu đồng. Sau đó nếu nhập học, học sinh phải đóng tiền cơ sở vật chất 3 triệu đồng, tiền hoạt động 1 triệu đồng. Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu cũng yêu cầu phụ huynh nộp phí nhập học 2 triệu đồng, phí phát triển trường 3 triệu đồng...

TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội trong một buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông.

Thu – chi sao cho đúng

Việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội là cần thiết. Học phí là một phần thu nhập quan trọng để đầu tư cho điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn. Nhờ có lộ trình tăng học phí, trong những năm gần đây, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phòng học có điều hòa, hệ thống phòng máy tính hiện đại.

Một thực tế cần nhìn nhận hiện nay đó là thu nhập của giảng viên đại học vẫn ở mức trung bình. Vì thế có hiện tượng “chảy máu chất xám” khi các thầy cô rời trường công để sang làm giảng viên trường tư vì thu nhập cao hơn. Do đó, điểm mấu chốt là làm sao để tăng thu nhập cho giảng viên bên cạnh tăng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nay học phí chiếm khoảng 60 - 65% tổng thu của nhà trường nên trường phải tìm thêm các nguồn thu khác nhau ngoài học phí (Trường ĐH Hà Nội có nguồn thu từ dịch vụ thi năng lực ngoại ngữ). Tuy nhiên, mấy năm qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nguồn thu này cũng bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương cũng cho rằng, việc đi học đại học cần coi như một khoản đầu tư xứng đáng để sau này các em có cơ hội việc làm tốt. Đơn cử, học phí của một sinh viên có thể lên tới khoảng 23 - 25 triệu đồng/năm. Nhưng nếu sinh viên đó ra trường mà có khả năng ngoại ngữ tốt thì thu nhập có thể đạt trung bình 10 triệu đồng/tháng. Như vậy chỉ cần đi làm 2 - 3 tháng là lương của em đó có thể bù đủ số tiền học phí cho cả một năm học. Nếu tính bài toán về chi phí đầu tư ban đầu và công ăn việc làm sau này thì điều này rất xứng đáng.

Với những sinh viên thuộc diện khó khăn, trường có hai hình thức hỗ trợ. Theo quy định, tất cả trường đại học đều phải dành tối thiểu 8% học phí để chi học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Học bổng là 100% (học lực khá), 110% (học lực giỏi) và 120% (học lực xuất sắc) của mức học phí mà sinh viên đã đóng.

Chia sẻ thông tin tăng học phí, em Trần Thị Hồng Minh - sinh viên K59 Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương cho hay: Từ năm học trước nhà trường đã có thông báo tăng không quá 10% học phí. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch này vẫn chưa thực hiện. Nữ sinh này đã nhận rõ sự đổi khác về cơ sở vật chất khi nhà trường đầu tư xây dựng mới khu vực sân khấu và khánh thành không gian tự học để giúp sinh viên có thêm một địa điểm để tự học mỗi khi không phải lên giảng đường.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học đồng quan điểm và khẳng định, nếu các trường không nâng học phí trong bối cảnh ngân sách từ Nhà nước bị cắt giảm sẽ khó duy trì hoạt động. Ông cho rằng, việc tăng học phí cần làm theo lộ trình phù hợp với tình hình ở từng địa phương. Bên cạnh đó, các khoản thu chi cần được nhà trường công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng thu chi sai quy định.

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), việc quản lý và sử dụng học phí phải hết sức minh bạch, hợp lý và đảm bảo công khai. Cơ sở giáo dục thực hiện quản lý các khoản thu, chi học phí theo chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp. Cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.

Tác giả: Khôi Nguyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP